Câu chuyện bắt đầu với hình ảnh một tay súng ly khai mặc quân phục, bị trói vào cột cây số, cúi gằm mặt chịu đựng những ánh mắt miệt thị.
Trên cổ anh ta lủng lẳng tấm biển bay phất phơ trong gió, viết: "Tôi là một tên cướp. Tôi đã đánh và cướp của đồng bào".
Người bắt anh ta không phải là kẻ thù, mà là quân ly khai đông Ukraine xử nặng lính "xin đểu" nhân dân.
Chỉ huy quân ly khai Alexander Nazarchenko đứng cách không xa tay súng bị sỉ nhục ở thị trấn Krasnyi Partyzan.
Ông ta nói đã xin lệnh cấp trên trước khi có biện pháp kỷ luật trên: tội của anh ta là đặc biệt gây phẫn nộ.
Nazarchenko nói:"Tên này tấn công một dân thường, cướp ô-tô của ông ấy và cướp tiền của người thân của ông ấy. Tên này nói hắn chỉ vay tiền, nhưng đấy hoàn toàn không phải cách vay tiền".
Nạn nhân đã báo chính quyền của quân ly khai, và tên "quân cướp giữa ban ngày" bị kỷ luận là phải đào công sự, mức phạt chuẩn của quân ly khai.
Vậy mà hắn không chừa, uống rượu say rồi lại trộm chiếc xe của cùng nạn nhân.
Cúi mặt xuống tận ngực, đôi tay bị trói bằng cáp nhựa, hắn thừa nhận với một nhà báo, rằng đã phạm tội hình sự, rồi năn nỉ xin một điếu thuốc lá.
Đôi mắt hắn bị bầm đen, cặp má đầy vết trầy trụa, máu rỉ trên môi hắn.
Theo AP, những vụ việc này là hậu quả của tình trạng lộn xộn về pháp lý, hành chính và kinh tế ở khắp đông Ukraine, trong suốt cuộc nội chiến giữa quân ly khai với quân chính phủ Ukraine.
Andrei Pasichnik, chỉ huy phó cảnh sát ở Luhansk, thành phố lớn thứ nhì lọt vào tay quân ly khai, lên án việc "xử án nhanh" của quân ly khai, nhưng thừa nhận: hãy còn nhiều việc phải để có được xét xử công minh ở những vùng do ly khai kiểm soát.
Năm ngoái, khi các quan chức trung thành với Kiev bị đuổi việc, xem ra họ đem theo khá nhiều tiền mặt và nguồn lực.
Pasichnik nói lực lượng hiện tập trung lập các cơ sở cảnh sát ở những vùng thuộc Luhansk do quân ly khai kiểm soát. Ông cho biết: vì không có quan tòa, nên chính các kiểm sát viên lãnh việc xử án.
Mọi sự tương đối khá hơn ở vùng Donetsk lân cận, nơi quân ly khai đã lập "Cộng hòa nhân dân Donetsk".
Hồi đầu tháng 4, chánh án Eduard Yakubovsky của tòa án ở "nước" này nói: các phiên xử chỉ xử những vụ án dân sự, hình sự và vấn đề gia đình hồi 3 tháng trước.
Theo AP, hệ thống pháp lý của quân ly khai dựa theo mô hình Liên Xô cũ, nhưng ở một cấp độ nhỏ hơn, vì nếu có tiền, người ta có thể "mua" được án nhẹ hoặc được thả tự do.
Chánh án Yakubovsky cho biết trong một cuộc họp báo:
"Trước đây ở vùng Donetsk có 55 tòa án địa phương, sử dụng 3.262 nhân viên, tức ngang một đơn vị bộ binh. Nay, số thẩm phán đã giảm những 4 lần".
Sự thiếu hụt này giúp tạo ra cánh đồng màu mỡ cho những phiên tòa "xử án tức khắc", nhất là ở những vùng thuộc quân Cossack quản lý. Cossack là một tổ chức bán quân sự, canh giữ những tiền đồn của đế chế Nga ngày xưa.
Chỉ huy phó cảnh sát Pasichnik nói: ai cũng có thể tự xử án, ban những mức phạt như đánh đòn, thậm chí xử tử những người đối mặt tội danh hình sự.
Ông nói: "Chủ có hệ thống bảo vệ luật pháp có quyền xét xử. Dĩ nhiên trước đây người Cossack hợp tác với chúng tôi. Nhưng chắc chắn có những người muốn lập lãnh thổ riêng cho mình".
Ý ông ám chỉ những chỉ huy Cossack như Nikolai Kozitsyn, một người Nga đang "trị vì" thị trấn Perevalsk, thách đố cả quân ly khai lẫn quân chính phủ Ukraine.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của AP hồi tháng 11.2014, Kozitsyn giải thích ông ta tin án cao nhất (tử hình) là cách răn đe cần thiết đối với bọn phạm pháp trong thời buổi bất an.
Ông ta nói: "Nó có tác dụng mạnh. Chúng tôi không còn vụ trộm cướp, nhập nha, trộm xe nào".
Từ sau đó, Kozitsyn đã bị loại, hiện đã trở lại Nga. Nhưng vẫn còn những "ổ" kiêu binh khác.
Tại thị trấn Stakhanov 120.000 dân, người Cossack vẫn chỉ huy. Một chỉ huy chỉ tiết lộ chiến danh là Borsch, giải thích cách xử lý các tay súng rượu chè be bét:
"Chúng tôi bắt một tên bợm, nhốt 3 ngày và quất 5 roi. Rồi chúng tôi buộc hắn uống 2 tách tinh dầu hoa hướng dương, tống hắn ra đường giữa đêm để bắt hắn chạy về nhà".