Ấn Độ đang vật lộn trước làn sóng bạo lực với phụ nữ, làm nóng các cuộc tranh cãi về thái độ xã hội trước tình trạng hiếp dâm và làm hỏng hình ảnh của Ấn Độ với thế giới.
Tháng 12 năm ngoái, một nữ sinh 23 tuổi chết vì những vết thương quá nặng sau khi bị một nhóm 6 kẻ lạ mặt cưỡng hiếp trên xe buýt. 4 tên trong số đó đã nhận án tử hình. Những vụ cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục tương tự thường xuyên được báo chí Ấn Độ đăng tải.
"Chúng ta có thực thi luật pháp?" - ông Sinha trả lời khi được hỏi liệu việc cá cược bóng đá, vốn bị cấm ở Ấn Độ nhưng vẫn diễn ra tràn lan, có nên được hợp pháp hóa hay không. "Rất dễ để nói rằng nếu như không thể cấm được, giống như kiểu nếu không ngăn được việc hiếp dâm hãy nên tận hưởng nó".
Phát biểu của ông Sinha lập tức vấp phải làn sóng phản ứng, chỉ trích dữ dội từ những người vận động và chính trị gia.
Bà Kavita Krishnan, một nhà hoạt động tại Hiệp hội vì sự tiến bộ của phụ nữ Ấn Độ, kêu gọi ông Sinha từ chức. "Làm sao ông ta vẫn có thể đứng đầu cơ quan điều tra của Ấn Độ?".
Brinda Karat, lãnh đạo Đảng Cộng sản Ấn Độ nói rằng phát biểu của ông Sinha là sự xúc phạm đối với tất cả phụ nữ. "Thật kinh tởm khi một người đàn ông phụ trách có vài vụ điều tra hiếp dâm lại có thể sử dụng những từ ngữ suy diễn như vậy" - Karat nói với báo giới. "Ông ta phải bị truy tố vì tội hạ thấp phẩm giá và xúc phạm phụ nữ".
Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ, giống như FBI của Mỹ, được thành lập để phòng chống tham nhũng trong phạm vi nhân viên chính phủ, nhưng cũng có trách nhiệm điều tra những vụ việc quan trọng khác như giết người, hiếp dâm và khủng bố.
Các quan chức thực thi pháp luật địa phương nhiều lần bị chỉ trích vì thái độ của họ đối với bạo lực tình dục.
Cảnh sát Ấn Độ ước tính chỉ 4/10 số vụ hiếp dâm được trình báo vì thái độ thờ ơ của các nhà chức trách. Bên cạnh đó, nạn nhân cũng thường bị kỳ thị hoặc tẩy chay tại cộng đồng vì ra mặt tố cáo.
Ông Sinha sau đó đã xin lỗi và nói rằng ông chỉ sử dụng tục ngữ để nói rõ ý mà thôi.