Bremmer cho rằng, Tổng thống Putin muốn yểm trợ cho chính quyền Bashar al-Assad, một đồng minh của Moscow. Hơn nữa, Syria lại có một căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải.
Căn cứ Tartus cho phép Nga có năng lực chiến thuật và khả năng hoạt động lớn hơn ở toàn bộ khu vực tây Địa Trung Hải.
Một lý do quan trọng nữa khiến Putin có những quyết sách cứng rắn ở Syria là ông muốn "bóc mẽ" người đồng cấp Barack Obama, muốn hạ vai trò của Mỹ ở ngôi vị cường quốc hàng đầu thế giới.
Theo Bremmer, ông Putin khiến cho ông Obama trông càng yếu ớt và thất bại, dù ở Ukraina hay ở Syria, thì càng tốt.
Đến nay, vai trò của Nga ở Syria và chiến dịch ném bom đã đặt ra một câu hỏi lớn về sự lãnh đạo trên toàn Trung Đông.
Kremlin khẳng định, chiến dịch chỉ nhắm vào phiến quân Hồi giáo, song phương Tây cho rằng, mục tiêu gồm cả lực lượng chống ông Assad.
Faisal Al Yafai, nhà bình luận chủ chốt của báo The National (trụ sở ở UAE), từng nhận xét với Reuters: "Mỹ và đồng minh giờ đây trông như một nhóm chẳng hề có kế hoạch nào [ở Syria]".
Và khi danh tiếng của Mỹ suy giảm, Nga sẽ lấp đầy khoảng trống đó nhằm thay thế sự ảnh hưởng của cường quốc số 1 thế giới.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi mới đây tuyên bố trên chương trình PBS NewsHour rằng, ông hoan nghênh bất kỳ sự hợp tác nào của quân đội Nga chống lại IS ở đất nước mình.
"Thông điệp của chúng tôi gửi tới người Nga là xin hãy tham gia cuộc chiến chống Daesh", ông Abadi nói. Daesh là tên gọi khác của tổ chức khủng bố IS.
Ở trong nước, chính sách đối ngoại của ông Obama cũng bị "săm soi" nhiều hơn, sau khi Nga can dự vào Syria và Ukraina.
"Tôi nghĩ Tổng thống là một thảm họa về chính sách đối ngoại", cựu Thống đốc Massachusetts Mitt Romney bình luận tại Diễn đàn Các ý tưởng Washington ngày 30/9.
"Bạn có thể mến mộ Tổng thống vì rất nhiều lý do. Ngôn từ của ông ấy bay cao vút, nhưng kết quả thì thật thất vọng, và về mặt chính sách ngoại giao, là thảm họa".
Ngoài hai lý do trên, chuyên gia Bremmer cho rằng, động thái mới của Nga còn có mục đích lái sự chú ý của châu Âu ra khỏi Ukraina.
Châu Âu và Mỹ đã phản ứng về vai trò của Moscow ở Ukraina, bằng một loạt các đòn trừng phạt và cấm đi lại đối với một số nhân vật Nga.
Tháng 9 vừa rồi, các lệnh cấm vận đó lại được gia hạn thêm 6 tháng nữa, khiến cho kinh tế Nga ngày càng khốn khó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, GDP của Nga giảm 9%.
Với chiến dịch không kích ở Syria, Putin đã kéo sự chú ý của châu Âu hướng về đất nước đang nội chiến này, trong bối cảnh khủng hoảng di dân, chủ yếu từ Syria, đang là bài toán khó giải.