Philippines: Dân phớt lờ cảnh báo, từ chối di tản tránh siêu bão?

Hồng Anh |

(Soha.vn) - "Mọi người tức giận vì chính phủ không hành động đủ mạnh để cứu giúp những người sống sót, không ai tới đếm các thi thể, không có sự phối hợp cứu trợ nào cả..."

Lynette Lim, giám đốc quỹ cứu trợ trẻ em Save the Childreen cùng một nhóm các nhân viên cứu trợ đã tới thành phố Tacloban để đánh giá mức độ cần giúp đỡ, 24 giờ trước khi siêu bão Haiyan đổ ập vào thành phố này.

Tờ Telegraph dẫn lời bà Lim cho hay, "Mọi thứ đã bị san phẳng... nước ngập cao đến đầu gối và các thi thể trôi nổi trên phố. Tôi thấy một vài trẻ em thiệt mạng. Tôi có thể nói rằng, cứ trong 5 thi thể tôi nhìn thấy thì lại có 2 thi thể là trẻ em. Hầu hết các ngôi nhà đều làm bằng gỗ và chúng bị phá huỷ hoàn toàn".

"Hầu hết trong các gia đình quyết định di tản trước khi cơn bão ập tới, chỉ có một người ở lại để bảo vệ nhà cửa và tài sản, nhưng thật không may, gần như tất cả những người ở lại đều đã chết".

Một số khác lại lờ đi những cảnh báo của chính phủ Philippines và quyết không đi tới nơi trú ẩn an toàn: "Họ nói với tôi rằng họ đã chứng kiến nhiều cơn bão trước kia rồi, và rằng họ không bao giờ có thể tượng tượng được rằng, cơn bão này lại kinh khủng đến như vậy".

 	Siêu bão Haiyan đang khiến người dân Tacloban khốn đốn vì thiếu lương thực trầm trọng.

Siêu bão Haiyan đang khiến người dân Tacloban khốn đốn vì thiếu lương thực trầm trọng.

Bản thân bà Lim cũng không thể lường trước được sự tàn khốc của Haiyan. "Tôi biết nó sẽ tới, nhưng sức mạnh của nó thực sự là điều tôi không ngờ tới cho tới khi tôi đến đây vào 5 giờ 30 phút sáng. Nó bắt đầu với gió mạnh và mưa lớn rồi ngày càng mạnh hơn".

"Thi thể trên đường phố đã được đưa đi, nhưng không có nhân viên chính phủ nào, ngoại trừ một vài cảnh sát ở trên đường". Những người sống sót bàng hoàng đi qua vũng nước đen ngòm, bẩn thỉu để tìm kiếm người thân mất tích hoặc lang thang trên phố vì chẳng có nơi nào để về.

"Dường như mọi người đang nghĩ "Tôi phải làm gì?", không có thức ăn, không có công việc để làm, không có bất cứ thứ gì giúp họ bắt đầu xây dựng lại nhà cửa. Họ không thể làm bất cứ điều gì".

Theo cô Lim, người dân bắt đầu bức xúc, "mọi người bày tỏ sự tức giận rằng chính phủ không hành động đủ mạnh để cứu giúp những người sống sót. Mọi người tức giận vì không có thức ăn, nước uống và rằng không ai tới đếm các thi thể, rằng không có sự phối hợp cứu trợ nào cả".

Nạn cướp bóc sau đó bắt đầu, "Nó khác với tất cả những cảnh tượng tôi từng thấy trước kia. Tất cả những gì họ lấy được, họ đều lấy. Người dân nhảy lên đầy các xe tạp hoá và lấy bất cứ thức ăn, nước uống nào họ tìm được, kể cả lò vi sóng, ti vi, thậm chí máy giặt".

Khi đêm xuống, Tacloban vây quanh bởi sự sợ hãi. "Thật đáng sợ khi đi bộ xung quanh vào lúc trời tối. Có người đập phá nhà cửa và tôi lo lắng rằng mình có thể bị cướp".

Bà Lim nói rằng, vẫn không có nhiều thông tin từ các khu vực ven biển phía nam và phía bắc của Tacloban, từ các vùng xa xôi hẻo lánh của Samar: "Chúng tôi đã nghe nói, có một làng chài tên là San Jose đã bị xoá sổ hoàn toàn. Có khoảng 200 người ở đó... Nếu đúng là vậy thì tình hình có vẻ còn tồi tệ như thế hoặc hơn nữa ở Samar vì đó là nơi đầu tiên cơn bão ập vào".

Bà Lim nói rằng, điều an ủi duy nhất của bà và các nhân viên cứu trợ khác là hàng cứu trợ nhiều hơn đang được chuyển tới "Tôi bay trên chuyến bay đã mang hàng cứu trợ của Chương trình Lương thực thế giới tới đây".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại