Ngày 25/10, các nhà lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí ra tuyên bố đề cập tới quan hệ giữa khối này với Mỹ sau khi những thông tin rò rỉ về hoạt động do thám của Mỹ làm khuấy động dư luận.
Mặc dù chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU chủ yếu tập trung vào vấn đề kinh tế và tị nạn, song gần như đã bị chi phối bởi vụ bê bối tình báo Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel vô cùng tức giận vì bị đồng minh thân cận nghe lén điện thoại cá nhân
Tuyên bố của hội nghị nêu rõ: "Nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước đã thảo luận về những diễn biến gần đây liên quan tới các vấn đề tình báo tiềm tàng, cũng như những quan ngại sâu sắc của các công dân châu Âu về các sự vụ này.
Họ nhấn mạnh việc thu thập tình báo là nhân tố quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Điều này tác động đến quan hệ trong nội bộ các nước châu Âu cũng như trong quan hệ với Mỹ. Sự thiếu lòng tin có thể gây phương hại sự hợp tác cần thiết trong lĩnh vực thu thập tin tình báo.
Nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước lưu ý đến ý định của Pháp và Đức muốn tiến hành thảo luận song phương với Mỹ trước cuối năm nay nhằm tìm kiếm sự cảm thông trong quan hệ về lĩnh vực này. Họ nhấn mạnh rằng các nước EU khác sẵn lòng tham gia sáng kiến này.
Họ cũng lưu ý Nhóm công tác hiện nay giữa EU và Mỹ làm việc trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu và kêu gọi sự tiến bộ nhanh chóng và mang tính xây dựng trong lĩnh vực đó".
Vụ bê bối nghe lén của tình báo Mỹ tưởng như đã lắng xuống đã đột ngột bùng nổ trở lại sau khi một tài liệu mật do cựu nhân viên Edward Snowden phanh phui và được trang mạng của nhật báo The Guardian (Anh) đăng tải ngày 24/10 cho thấy Mỹ đã nghe trộm điện thoại của ít nhất 35 nhà lãnh đạo nước ngoài.
Theo một bức thư mật đề tháng 10/2006 được tờ báo trên lật tẩy, một quan chức của một cơ quan khác của chính phủ đã đưa cho Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) 200 số điện thoại, trong đó có số điện thoại của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới. Tuy nhiên, tài liệu trên không nêu tên các chính trị gia nước ngoài bị do thám.
Văn bản mật trên còn cho hay NSA đề nghị quan chức thuộc các cơ quan khác của Mỹ như Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng chia sẻ số điện thoại của các nhà lãnh đạo nước ngoài để theo dõi.
Tiết lộ trên được đưa ra chỉ ít giờ sau khi chính phủ Đức yêu cầu Washington làm rõ thông tin báo chí cho rằng Thủ tướng Angela Merkel bị NSA nghe trộm điện thoại.
Những rò rỉ về việc Mỹ săm soi công dân Pháp và thậm chí nghe trộm điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở thành vấn đề thời sự của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu khai mạc cùng ngày tại Brussels.
Trong các cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama giải thích rằng các hoạt động tình báo nhằm bảo vệ Mỹ và các đồng minh trước khủng bố.Tuy nhiên, tiết lộ mới nhất này khiến Washington rất khó biện hộ cho hành động của mình.
Trước đó đã có tiết lộ về việc NSA do thám thông tin liên lạc của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống đương nhiệm của Mexico Enrique Peña Nieto và người tiền nhiệm Felipe Calderón.
Bà Rousseff đã hoãn chuyến thăm Mỹ để phản đối việc này. Theo dự kiến, bà Rousseff là tổng thống đầu tiên thăm cấp nhà nước tới Mỹ kể từ khi ông Obama nhậm chức nhiệm kỳ hai và là tổng thống Brazil đầu tiên thăm chính thức Mỹ kể từ năm 1995.
Mỹ chỉ mời thăm chính thức nguyên thủ của các nước mà Washington có quan hệ liên minh chiến lược.
Cùng ngày, tuần báo L'Espresso của Italy căn cứ tài liệu do Snowden rò rỉ cũng cho biết các cơ quan tình báo của Anh và Mỹ đã săm soi các quan chức chính phủ, lãnh đạo quốc phòng và các tập đoàn của quốc gia Nam Âu này.
Chi tiết của hoạt động gián điệp nhằm vào Italy sẽ được tuần báo đăng trong số báo in phát hành ngày 25/10.