Trung Quốc: “Còn hàng ngàn con hổ, và ruồi thì nhiều vô kể"

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Nạn tham nhũng ở Trung Quốc đang quá tràn lan và phổ biến khiến chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình khó thành hiện thực.

Trong bài viết đăng tải ngày 24/10/2013 trên CNN, nhà văn, nhà báo người Trung Quốc Lijia Zhang nói rằng, ở Trung Quốc “tất cả mọi người đều phạm tội tham nhũng”.

Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả bài viết của Lijia Zhang để thấy được thực trạng nạn tham nhũng đang hoành hành như thế nào ở Trung Quốc hiện nay qua chính góc nhìn của một trí thức bản địa.

Sau khi lên nắm quyền vào tháng 3/2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ, cam kết bắt giữ mọi quan chức tham nhũng dù to hay nhỏ, thường được biết tới với tên gọi “đả hổ, diệt ruồi”.

Trung Quốc đã từng chứng kiến rất nhiều những chiến dịch như vậy, ầm ầm, ào ào rồi lại tan biến như bão mùa hè. Nhưng chiến dịch của ông Tập dường như diễn ra mạnh mẽ nhất kể từ khi Trung Quốc mở cửa và cũng là khi tham nhũng tràn lan trong nền kinh tế thị trường và các quan chức bắt đầu dùng quyền lực để kiếm tiền và ngược lại, kiếm tiền để mua quyền lực.

Thế nhưng, dù tôi đánh giá rất cao quyết tâm của Chủ tịch Tập thì cuộc chiến cũng chẳng khác nào“muối bỏ bể” vì tham nhũng đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của xã hội chúng ta.

Các cuộc điều tra dư luận tại Trung Quốc xác nhận tham nhũng là vấn đề xã hội đáng căm ghét nhất nhưng tất cả mọi người đều mắc lỗi.

 	Cảnh sát Trung Quốc bảo vệ bên ngoài phiên tòa xét xử chính trị gia thất sủng Bạc Hy Lai tháng 9/2013

Cảnh sát Trung Quốc bảo vệ bên ngoài phiên tòa xét xử chính trị gia thất sủng Bạc Hy Lai tháng 9/2013

Năm ngoái, khi cha tôi ốm nặng, chúng tôi đưa ông đến một bệnh viện gần nhà nhưng được thông báo rằng bệnh viện đã hết giường. Theo thói thường, chúng tôi quay sang nhờ “quan hệ” giúp đỡ.

May mắn thay, một người quen của gia đình, chức vụ không cao lắm nhưng lại có quan hệ rất rộng đã thu xếp được cho cha tôi một phòng riêng tại bệnh viện vốn chỉ dành cho lãnh đạo.

Đổi lại, người quen của chúng tôi phải đồng ý “thu xếp” cho cậu con trai của giám đốc bệnh viện vào được một trường học danh giá nhất Nam Kinh.

Tôi đã ý thức được giá trị của “quan hệ” ngay khi vừa bước vào ngưỡng tuổi trưởng thành: Năm 16 tuổi, tôi đã bị đẩy ra khỏi trường tới làm việc cho một nhà máy sản xuất tên lửa quân sự.

Hai tháng sau, khi lễ hội mùa Xuân đến, mẹ yêu cầu tôi tới nhà ông chủ thăm hỏi với những món quà mà bà đã chuẩn bị sẵn. Lúc đó, quá ngây thơ và xấu hổ, tôi đã từ chối. Mẹ tôi giận giữ quát lên: “Mày đừng hòng ngóc cổ lên được nếu không biết cách quan hệ”.

Mọi việc diễn ra đúng như mẹ đoán, tôi chưa khi nào được thăng tiến trong suốt thời gian làm việc kéo dài cả thập kỷ tại nhà máy đó mặc dù tôi có bằng kỹ sư cơ khí hẳn hoi.

Đối với bất kỳ doanh nhân Trung Quốc nào, quan hệ luôn là điều cần thiết. Gần đây, tôi có gặp lại một người bạn mất liên lạc từ ​​lâu. Anh ấy hiện đang điều hành một công ty công nghệ cao.

Nhưng hơn 20 năm sau gặp lại, lý tưởng tuổi trẻ trong anh ấy đã biến mất còn vòng eo thì phình to quá khổ. Nhích miệng nở nụ cười bí hiểm, anh nói rằng đó là hệ quả của những buổi tiệc tùng lu bù và, tất nhiên, gái gú thường là một phần không thể thiếu trong trò chơi “quan hệ” đầy mệt mỏi này.

“Doanh nghiệp của bạn sẽ không thể tồn tại dù chỉ một ngày nếu không tham nhũng”, anh chua chát nói với tôi.

Mỗi công đoạn kinh doanh anh ấy đều phải “bôi trơn” bằng những món quà hối lộ hoặc đút lót: Từ khi xin giấy phép kinh doanh tới chiều lòng khách hàng tiềm năng hay để nhận được 15% khấu trừ thuế mà một công ty công nghệ cao được hưởng. Anh ước tính phải bỏ ra từ 3% - 5% chi phí kinh doanh cho “quan hệ”.

Những hoạt động như vậy đã buộc các doanh nghiệp phải tìm đến sự bảo trợ của những quan chức cấp cao vì các chính trị gia ở Trung Quốc có quyền phê duyệt dự án và phân bổ nguồn lực.

Mối quan hệ giữa chính trị gia thất sủng Bạc Hy Lai và tỷ phú Từ Minh, người sáng lập Tập đoàn Đại Liên Thực Đức là một điển hình. Hầu bao của ông Từ được cho là đã “căng phồng” nhờ mối quan hệ với gia đình ông Bạc qua việc không tiếc tiền cung phụng lối sống thượng lưu của họ. Từ Minh bị giam ngay sau khi ông Bạc bị bắt và phải điều trần trong phiên tòa xét xử ông Bạc hồi tháng 8/2013.

Nhà văn, nhà báo Trung Quốc Lijia Zhang

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, chính quyền cũng đang điều tra mối quan hệ tương tự giữa Thị trưởng Nam Kinh Quý Kiến Nghiệp mới bị sa thải và doanh nhân giàu có nhất Tô Châu Zhu Xingliang, người cũng đang bị quản thúc tại gia.

Về chính trị, Trung Quốc quy hoạch các lãnh đạo hàng đầu của mình ít nhiều đều dựa trên mối quan hệ bảo trợ lẫn nhau hơn là trọng dụng nhân tài. Tầng lớp “thái tử”, con cháu của các nhà lãnh đạo cấp cao là nhóm có quyền lực và ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình từng kêu gọi kiềm chế lãng phí chi tiêu công: Không đối đãi theo kiểu trải thảm đỏ, không tiệc tùng sang trọng và không xây dựng cao ốc văn phòng hoành tráng. Tuy nhiên, đó chỉ là những triệu chứng chứ không phải là gốc rễ của vấn đề.

Tôi không hoài nghi chính quyền sẽ bắt thêm nhiều “con hổ” nữa. Nhưng sẽ còn hàng trăm, hàng ngàn con hổ và “ruồi” thì nhiều vô kể, sinh sôi nảy nở trong cái nôi tham nhũng mầu mỡ Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại