Theo Reuters, khoảng 2.000 đồng tiền vàng có niên đại từ thế kỷ 11, thời mà triều đại Hồi giáo Fatimid thống trị Trung Đông, đã được đưa lên từ đáy biển.
Kho báu này lộ diện sau những cơn bão mùa đông gần đây. Các nhà khảo cổ cho rằng nó đắm cùng xác tàu gần cảng Caesarea nằm ở phía Đông Địa Trung Hải của Roma thời cổ.
Ông Jacob Sharvit, thuộc Cơ quan Cổ vật Israel, nói với Reuters: “Có thể con tàu trên chở tiền thuế đến Cairo nhưng bị chìm ở cảng Caesarea”.
Theo ông Sharvit, khoảng 2 tuần trước, các thợ lặn nghiệp dư phát hiện rất nhiều tiền xu. Ban đầu họ nghĩ đó là đồ chơi trẻ con nhưng các chuyên gia sau đó tìm thấy được tới 1.000 đồng xu.
Đợt lặn thứ hai vào ngày 17-2 vừa qua thu hoạch được một lượng xu tương tự. Tính đến nay, tổng số xu tìm thấy được khoảng 2.000 đồng với cân nặng xấp xỉ 6 kg vàng. Nếu tính theo thời giá hiện nay thì kho báu trên tương đương 240.000 USD.
Toàn bộ số xu có khắc chữ Ả Rập và được đúc vào triều đại của vua Al-kim (996-1021) và con trai là vua Al-hir (1021-1036) – đếu thuộc vương triều Fatimid.
Giá trị về mặt lịch sử của kho báu còn lớn hơn nhiều, qua đó góp phần hé lộ về vương triều Fatimid. Theo ông Sharvit, phát hiện trên chứng tỏ cảng Caesarea từng là khu vực giàu có.
“Fatimid là những người Hồi giáo đầu tiên có hải quân và họ buôn bán với tất cả thành phố trên bờ biển Địa Trung Hải. Họ giao thương với cả người La Mã và người Cơ Đốc giáo dù cũng song song gây chiến tranh” – ông cho biết.
Bắt nguồn từ Bắc Phi, sự giàu có của vương triều Fatimid là một huyền thoại. Cơ quan cổ vật Israel cho rằng vương triều này từng dự trữ đến 12 triệu đồng vàng dinar trong các kho chứa ở Cairo.