Cải cách quân đội của ông Tập đụng chạm đến "vùng nước sâu"
Trang Đa Chiều (Mỹ) ngày 17/10 cho hay, các vấn đề được quan tâm tại Hội nghị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới (26-29/10) bên cạnh việc điều chỉnh nhân sự và kinh tế Trung Quốc, chính là những thông tin cụ thể về cuộc "đại cải cách quân đội" nước này.
Đa Chiều cho biết, tại Hội nghị Trung ương 5 sắp diễn ra, ông Tập sẽ thông báo tình hình thực hiện phương án cải cách quân đội.
Trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp kiến toàn thể đại diện quân đội đang giữ cương vị Ủy viên và Ủy viên dự khuyết Trung ương để "nêu rõ yêu cầu và thời gian biểu thực hiện cải cách quân đội".
Nói cách khác, ông Tập sẽ ra "tối hậu thư" đến các lãnh đạo của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) về quyết tâm thực hiện cắt giảm biên chế 300.000 quân nhân, trong đó có 170.000 người mang quân hàm từ trung tá đến đại tá.
Cuộc cải cách quân đội mà Tập Cận Bình khởi xướng sẽ là lần cải cách biên chế lớn thứ hai kể từ khi nước CHND Trung Hoa thành lập (1949).
Có nhiều ý kiến ở Trung Quốc cho rằng lục quân, hải quân, không quân và cả lực lượng tên lửa chiến lược của quân đội nước này sẽ được quy về một "bộ chỉ huy thống nhất", nhằm xây dựng thể chế lãnh đạo kép gồm 2 lớp: Địa phương và quốc gia.
Ông Tập tuyên bố cắt giảm 300.000 quân của PLA tại lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II hôm 3/9. Ảnh: SCMP
Cơ quan báo chí thuộc quân đội Trung Quốc tiết lộ, cuộc cải cách quân đội của ông Tập hiện đang vấp phải những trở ngại rất lớn, đặc biệt chỉ trích thẳng thừng những tướng lĩnh muốn cản trở cải cách.
Tờ Giải phóng quân - cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương Trung Quốc - hôm 14/10 đăng tải bài xã luận tuyên bố "cuộc cải cách quân đội lần này là bài kiểm tra không thể né tránh".
Tờ này chỉ trích mạnh mẽ bộ phận lãnh đạo PLA bất mãn với cải cách: "Nếu tinh thần tự thân không được giữ vững thì làm sao nắm giữ quân đội?
Nếu mang tâm trạng bất mãn quá lớn thì làm sao giáo dục binh sĩ phục tùng toàn cục? Nếu bản thân không dấn thân thực hiện thì làm sao thúc đẩy được cải cách?"
Báo Giải phóng quân cũng dẫn lời ông Tập Cận Bình chỉ trích "nhiều chướng ngại về tư tưởng đối với cải cách không đến từ bên ngoài mà tồn tại ngay bên trong thể chế, đặc biệt là từ 'xiềng xích' của các nhóm lợi ích khác nhau".
Ông Tập cũng tuyên bố thẳng: "Cải cách (quân đội) sâu rộng sẽ tiến vào 'vùng nước sâu', tức thay đổi tư tưởng, thể chế, chế độ chính sách, hay chính là 'vùng quyền lực và lợi ích'. Một số người bên ngoài hô hào cải cách, nhưng trên thực tế lại sợ hãi và cản trở."
Chủ tịch Trung Quốc cũng phê phán các thế lực chống đối cải cách quân đội là "không có tinh thần hy sinh mưu lợi cho quốc gia".
Do có sự "đụng chạm" chưa từng thấy trong lịch sử đến bộ máy quân đội khổng lồ của Trung Quốc, Quân ủy Trung ương nước này tỏ rõ quan ngại sự chống đối từ bên trong quân đội sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thành công của cuộc cải cách.
Báo Giải phóng quân hôm 14 cũng cảnh cáo gay gắt: "Nếu còn lo trước nghĩ sau, tính toán đầu đuôi, cần quyết đoán không quyết đoán, thì chúng ta (những người đứng đầu cuộc cải cách quân đội Trung Quốc) sẽ trở thành tội nhân thiên cổ trong lịch sử."
Trước đó, tờ này cũng đã tiết lộ hôm 29/9 rằng "nỗi đau và những hiệu ứng chấn động của cuộc cải cách quân đội sẽ dần hiện hữu rõ ràng", thậm chí nêu rõ có khả năng xuất hiện những trường hợp bất mãn, khiếu nại do bị rơi vào cảnh "mất bát cơm".
Cơ hội để Tập Cận Bình loại bỏ "bóng đen" Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng
Theo Đa Chiều, giới quan sát đánh giá 3 trong số 7 đại quân khu hiện nay của PLA sẽ trở thành "đích" đầu tiên của cuộc cải cách, gồm quân khu Lan Châu, Tế Nam và Thẩm Dương.
Đáng chú ý, 2 quân khu Thẩm Dương-Tế Nam được cho là "nơi phất lên" của cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã "ngã ngựa" Từ Tài Hậu, trong khi quân khu Lan Châu là cơ sở của "hổ béo" Quách Bá Hùng.
Mặc dù Từ, Quách đã bị Bắc Kinh xử lý, song các nhóm thế lực và lợi ích mà 2 ông này tạo dựng trong PLA qua hàng chục năm vẫn còn sức ảnh hưởng mạnh mẽ và là mối đe dọa rất lớn đối với sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, cải cách quân đội là cơ hội lớn để ông Tập thanh lọc triệt để dư đảng của Quách, Từ, xóa bỏ hoàn toàn "bóng đen" của 2 cựu Phó chủ tịch Quân ủy này.
Cuộc cải cách quân đội lớn nhất của Trung Quốc
Ngày 1/11/1984 - 1 tháng sau lễ duyệt binh kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuyên bố tại buổi tọa đàm của Quân ủy Trung ương: Giảm quân quy mô lớn.
Ông Đặng nói: "Phản ứng trong và ngoài nước đối với lễ duyệt binh rất tốt. Nói tới khuyết điểm thì chính là một người đã 80 tuổi (Đặng Tiểu Bình-PV) thực hiện kiểm duyệt.
Giảm quân là việc 'đắc tội' người khác, vậy hãy để tôi làm. Không để mâu thuẫn lại cho tân Chủ tịch Quân ủy Trung ương."
Ngày 4/6/1985, các tướng lĩnh cao cấp của PLA tập trung tại khách sạn Kinh Tây, thủ đô Bắc Kinh dự hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng do ông Đặng chủ trì.
Trong hội nghị, Đặng Tiểu Bình phát biểu 90 phút, nêu ra quyết định "giật mình": PLA cắt giảm 1.000.000 quân nhân.