Ông Tập Cận Bình lợi dụng chuyến thăm Nga để "tung hoành" Âu - Á?

Hải Võ |

3 nước, 6 ngày, 19 giờ bay, 10.400km và hơn 30 hoạt động là hành trình công du Âu - Á của ông Tập Cận Bình trong dịp kỷ niệm Ngày Chiến Thắng phát xít sắp tới.

19 giờ bay và 10.400km "tung hoành" Âu - Á của ông Tập Cận Bình

Chinanews (Trung Quốc) đưa tin, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ khởi hành từ Bắc Kinh, bắt đầu chuyến công du Âu - Á từ hôm nay (7/5) tới 12/5.

Trong những ngày gần đây, truyền thông quốc tế dành phần lớn sự chú ý cho cuộc duyệt binh "lớn nhất lịch sử" sắp diễn ra tại Moscow, qua đó sự quan tâm dành cho ông Tập cũng phần nào bó hẹp tại đây.

Nhưng trên thực tế, hành trình 6 ngày của ông Tập Cận Bình sẽ tiến hành tại 3 nước với hơn 30 hoạt động song phương lớn nhỏ.

Theo đó, chuyến đi của ông Tập là để đáp lại lời mời của Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

Ngày 7/5: "Trên cơ" Nga tại Kazakhstan

Khoảng 5 tiếng đồng hồ sau khi rời khỏi Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình dự kiến đáp xuống thủ đô Astana của Kazakhstan.

Ông Tập Cận Bình chính là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên mà Tổng thống Kazakhstan tiếp đãi sau khi ông Nazarbayev tái đắc cử và tuyên thệ nhậm chức hôm 29/4.

Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và Kazakhstan - thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu do Nga lãnh đạo - có chiều hướng căng thẳng thêm với việc Astana chính thức bác bỏ đề nghị của Moscow về một đồng tiền chung của khối hôm 22/4.

Tổng thống Kazahstan Nursultan Nazarbayev và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Kazahstan Nursultan Nazarbayev và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Chinanews, Kazakhstan là quốc gia nằm ở vùng Trung Á và có 1700km đường biên giới chung với Trung Quốc. Hai quốc gia này cũng có hơn 2000 năm lịch sử qua lại và nhiều lợi ích chung.

Kazakhstan được đánh giá là "đối tác chiến lược quan trọng" của Trung Quốc tại lục địa Á - Âu. Trong con mắt của Bắc Kinh, bất kể là về ý nghĩa chính trị hay hữu nghị, quan hệ Trung Quốc - Kazakhstan đều mang tính chất "môi hở răng lạnh".

Là quốc gia trung tâm trong bất kỳ dự án hội nhập nào ở Trung Á, Kazakhstan đã trở thành tuyến đầu trong "cuộc chiến" giữa Nga và Trung Quốc để giành  ảnh hưởng.

Hồi tháng 9/2013, chỉ nửa năm sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông đã tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước đối với Kazakhstan.

Những chiến lược vĩ mô của ông Tập như "vành đai kinh tế Con đường tơ lụa" cũng được nêu ra lần đầu tiên tại đây.

Một năm sau đó, chủ tịch Trung Quốc lại có chuyến thăm chính thức Kazakhstan để xúc tiến việc hiện thực hóa "con đường tơ lụa".

Theo kế hoạch, kết thúc chuyến thăm Kazakhstan vào sáng mai (8/5), ông Tập Cận Bình sẽ bay tới Moscow để dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng của Nga trong vai trò "khách mời quan trọng".

Ngày 8/5: Phần lớn thời gian ông Tập sẽ ở trong Điện Kremlin

Chinanews cho hay, bên cạnh chương trình gặp gỡ đại diện cựu chiến binh Liên Xô hồi Thế chiến II, đại biểu và thân nhân các chuyên gia Nga từng giúp đỡ Trung Quốc thì phần lớn thời gian trong ngày, chủ tịch Trung Quốc sẽ ở trong Điện Kremlin.

Bên trong đại sảnh tầng 2 sang trọng của Kremlin, ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiến hành hàng loạt cuộc hội đàm lớn nhỏ và chứng kiến việc ký kết văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, vũ trụ, thuế, tài chính, đầu tư...

Lãnh đạo Nga - Trung được cho là sẽ ra tuyên bố chung về việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược song phương, đồng thời thảo luận việc kết nối "vành đai kinh tế con đường tơ lụa" của Trung Quốc với "con đường Âu - Á" của Nga trên các lĩnh vực trọng điểm.

Dù tuyên bố quan hệ Nga-Trung đang ở mức độ cao nhất, nhưng ông Tập Cận Bình cũng không ngần ngại vươn tranh giành ảnh hưởng với Nga tại các nước lân cận. Ảnh: Reuters.

Dù tuyên bố "quan hệ Nga-Trung đang ở mức độ cao nhất", nhưng ông Tập Cận Bình cũng không ngần ngại tranh giành ảnh hưởng với Nga tại các nước lân cận. Ảnh: Reuters.

Ngày 9/5: Tập Cận Bình trên Quảng trường Đỏ

2015 là năm kỷ niệm 70 năm Trung Quốc chiến thắng phát xít Nhật, phe đồng minh chiến thắng chủ nghĩa phát xít và 70 năm thành lập Liên hợp quốc.

Chinanews bình luận, Trung Quốc và Nga là "chiến trường chủ đạo ở châu Á và châu Âu" trong Thế chiến II, là những nước thắng trận và là thành viên sáng lập của LHQ, Hội đồng bảo an LHQ, đồng thời "chịu tổn thất nặng nề cũng như cống hiến to lớn" cho thắng lợi của quân đồng minh.

Ngoài ra, trong bối cảnh Nga đang là tâm điểm các biện pháp trừng phạt của phương Tây do cáo buộc nước này can thiệp vào cuộc xung đột miền Đông Ukraine, Trung Quốc càng chứng tỏ là "người bạn đáng tin cậy" của Moscow.

Để minh chứng cho điều này trước toàn thế giới, ông Tập và ông Putin sẽ cùng tham gia hàng loạt hoạt động kỷ niệm chiến thắng phát xít của song phương trong nhiều khuôn khổ.

Trong ngày 9/5, chủ tịch Trung Quốc sẽ lần đầu hiện diện tại lễ kỷ niệm thắng lợi chiến tranh Vệ quốc của Nga - cũng là lần đầu tiên quân giải phóng Trung Quốc (PLA) tham dự nghi thức duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.

"Thời gian trên Quảng trường Đỏ" của ông Tập Cận Bình sẽ kéo dài tới đêm 9/5 (giờ địa phương). Sáng sớm 10/5, ông Tập sẽ rời Moscow tới điểm đến tiếp theo trong hành trình là thủ đô Minsk của Belarus.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc
Trình Quốc Bình
Ngay trước thềm chuyến thăm dự kiến của ông Tập Cận Bình đến Nga, hai Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Trương Cao Lệ đã tiến hành các cuộc gặp gỡ với những người đồng cấp Nga để thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết cho chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc. Nhiều thoả thuận sẽ được ký kết trong chuyến thăm này. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tạo thêm động lực để phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác thực tế giữa Nga và Trung Quốc.

Lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc thăm Belarus sau 14 năm

Chinanews giới thiệu, Belarus là quốc gia nằm ở vùng đồng bằng phía tây khu vực Đông Âu - "là quốc gia bạn hữu truyền thống của Trung Quốc tại khu vực Âu-Á và đối tác chiến lược toàn diện của Bắc Kinh".

Việc Nga đang bị phương Tây kềm hãm và bủa vây về kinh tế, chính trị, quân sự đã tạo điều kiện cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Đông Âu.

Ông Tập Cận Bình đã chọn đúng thời điểm để thực hiện chuyến thăm đầu tiên sau 14 năm của lãnh đạo Trung Quốc tới quốc gia "trung gian" giữa phương Đông và phương Tây này.

Belarus được Trung Quốc đánh giá là "có ưu thế đặc biệt" trong chiến lược xây dựng "vành đai kinh tế con đường tơ lụa" của nước này.

Hôm 9/4, Trung Quốc đã giao hàng 2 chiếc xe sang Hồng Kỳ L5 do nước này sản xuất để Belarus sử dụng trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến Thắng tại Minsk ngày 9/5.

Belarus đã tậu xe sang Hồng Kỳ L5 - mẫu xe mà các lãnh đạo Trung Quốc sử dụng trong các nghi thức duyệt binh.

Belarus đã tậu xe sang Hồng Kỳ L5 - mẫu xe mà các lãnh đạo Trung Quốc sử dụng trong các nghi thức duyệt binh.

Trong chuyến công du ngày 10/5, ông Tập sẽ hội kiến Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Thủ tướng Andrei Kobyakov cùng các lãnh đạo khác của nước này.

Trung Quốc - Belarus sẽ ra tuyên bố chung về việc làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và ký các văn kiện hợp tác về thương mại, hải quan, giáo dục, văn hóa...

Belarus đã gọi chuyến thăm sắp tới của ông Tập Cận Bình là "sự hiện diện vượt thời đại" đem lại động lực mạnh mẽ cho sự hợp tác song phương.

Chinanews kết luận, Trung Quốc đặt kỳ vọng rất lớn vào 1 tuần sắp tới của chủ tịch Tập Cận Bình. Thậm chí, Bắc Kinh tin rằng sau khi kết quả từ chuyến đi của ông Tập "trở thành hiện thực", Trung Quốc đã "bước sang trang mới" trong chiến lược quan hệ nước lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại