Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương thường niên, quan trọng diễn ra từ ngày 30/5 - 1/6. Theo dự kiến, ông Abe sẽ là nguyên thủ nước ngoài thứ 6 có bài phát biểu trước lễ khai mạc với tư cách là diễn giả chính tại Shangri-La.
Giới quan sát và dư luận thế giới đang rất trông chờ bài phát biểu này của Thủ tướng Nhật Bản. Dự kiến, ông Shinzo Abe sẽ phát đi một thông điệp quan trọng, theo đó, Nhật Bản muốn được coi như một đối trọng với thế lực ngày càng phô trương của Trung Quốc trong một khu vực xảy ra nhiều tranh chấp gay gắt về lãnh thổ.
Theo báo Sankei Shimbun, ông Abe sẽ tuyên bố với diễn đàn Đối thoại Shangri-La rằng Tokyo và đối tác Hoa Kỳ sẵn sàng cùng nhau thúc đẩy hợp tác an ninh với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tờ báo này cũng nói thêm rằng ông Abe sẽ không đả động trực tiếp tới Trung Quốc, song ai cũng hiểu đó là vì những tranh chấp đang leo thang trên Biển Đông và bản thân Nhật Bản cũng đang vướng vào rắc rối với Bắc Kinh liên quan tới chủ quyền một số hòn đảo trên biển Hoa Đông.
Theo ông Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, ông Abe "có thể tuyên bố mục tiêu là muốn đóng vai trò tích cực hơn ở châu Á bằng cách sử dụng liên minh Nhật-Mỹ làm nền tảng cơ bản".
Ông Abe đã bắt đầu định hình lại các quy tắc can dự của quân đội Nhật Bản - một lực lượng hùng mạnh nhưng ít khi sử dụng trong bối cảnh ông muốn nhân rộng một học thuyết gọi là "hòa bình chủ động". Vị Thủ tướng nước Nhật đã lên tiếng đề xuất giúp đỡ Manila và Hà Nội, cả thực tiễn lẫn trên phương diện tinh thần, bằng các tàu bảo vệ bờ biển và những tuyên bố ủng hộ công khai.
Ông Abe hy vọng rằng các nước trong khu vực sẽ nhìn nhận hành động đó của Nhật Bản như một dấu hiệu của thiện chí, thể hiện vai trò đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc.
Theo tờ Kyodo News, trong bài phát biểu của mình tại Shangri-La, ông Abe sẽ thúc giục Trung Quốc phải tôn trọng pháp luật.
Còn theo lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga, ông Abe sẽ kêu gọi "các cuộc thảo luận mang tính xây dựng" để hạ nhiệt những căng thẳng đang đào sâu hố ngăn cách giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, cũng như giữa Tokyo với Bắc Kinh.
"Xem xét các tình huống căng thẳng trên Biển Đông và Hoa Đông, chúng tôi hy vọng rằng các cuộc thảo luận mang tính xây dựng sẽ diễn ra vì hòa bình và an toàn của khu vực", ông nói.
Kể từ khi lên nắm quyền từ cuối năm 2012, ông Abe rất tích cực tiếp cận khối ASEAN, ông đã tới thăm cả 10 nước thành viên ít nhất một lần. Song ông vẫn chưa hề công du Trung Quốc, chưa gặp ông Tập Cận Bình.
Một số quốc gia thành viên ASEAN tỏ ra mạnh mẽ hơn những nước khác khi không hề e ngại Trung Quốc. Việt Nam và Philippines đã chứng minh cho mọi người thấy mình sẵn sàng đương đầu với sự chèn ép (từ phía Trung Quốc).
Bắc Kinh, vốn luôn lớn tiếng đòi hỏi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, với chiến thuật “bẻ từng chiếc đũa” của bó đũa ASEAN, mang bài toán kinh tế ra vỗ về để không bao giờ phải đối mặt với một phản ứng trên toàn khối trước những tuyên bố chủ quyền phi lý của mình đối với các hòn đảo cách rất xa đường bờ biển đại lục.
Căng thẳng liên quan đến Trung Quốc tiếp tục leo thang hôm thứ Ba vừa qua khi một tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981.
Ông Yoshihide Suga cho rằng hành động đâm tàu là "cực kỳ nguy hiểm". Về phần mình, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal đăng tải hôm thứ Ba vừa qua, ông Abe nói việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 đã khiến "căng thẳng leo thang".
"Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận việc thay đổi hiện trạng bằng hành động vũ lực hoặc cưỡng ép", ông Abe phát biểu.
Cuối tuần trước, Nhật Bản đã cáo buộc Trung Quốc diễn tập "nguy hiểm" khi máy bay chiến đấu của Trung Quốc hai lần bay quá gần máy bay quân sự của Nhật Bản tại khu vực chồng lấn vùng nhận dạng phòng không của hai nước.
Xem thêm [Video] Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mời Tổng thống Mỹ Barack Obama dự tiệc Sushi ở Tokyo.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA