Sở dĩ trong tựa đề bài viết này đề cập đến chuyện “sư tử”, bởi Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte, từ hơn hai thế kỷ trước, được cho là có nói rằng
“Trung Hoa là một con sư tử đang ngủ. Hãy để cho nó ngủ, bởi khi thức giấc, nó sẽ làm thế giới rung chuyển”. Mới đây, một nhà lãnh đạo Trung Quốc đã viện dẫn câu nói đó của Napoléon, và thêm vào một vế nữa: “Bây giờ con sư tử đó đã thức giấc nhưng nó là con sư tử hòa bình, thân mật và văn minh”.
Bài viết trên Tân Hoa xã nói vòng vo tam quốc, nhưng đại để muốn thanh minh thanh nga rằng, mặc dù Trung Quốc là “sư tử thức” nhưng vô hại. Sở dĩ, người trong thiên hạ cảnh giác với Trung Quốc chẳng qua là do “định kiến”!
Đóng vai “nạn nhân” bị hắt hủi, tác giả bài viết than thở: “Khi Trung Quốc nghèo khó, thì bị người ta nhạo báng là “Đông Á bệnh phu”; khi Trung Quốc đi lên, kinh tế vươn lên đứng hàng thứ hai trên thế giới thì bị những ai mang tư tưởng “kẻ mạnh bá đạo” coi là đối thủ, là một sự đe dọa nào đó”.
Cũng là do thiên hạ “định kiến” với Trung Quốc!
Khổng Tử, một nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc từng nói: “Dở nhất trong cái đạo xử thế là không biết lỗi của mình”. Bậc trí giả này của Trung Hoa cổ đại còn rút ra một châm ngôn: “Người khôn ngoan hỏi nguyên do lầm lỗi ở bản thân; kẻ dại khờ hỏi nguyên do ở người khác”.
Có lẽ tác giả Trình Vân Kiệt chẳng phải là kẻ dại khờ. Chỉ đơn giản là muốn “kim thiền thoát xác”, dùng một trong 36 kế Tôn Tử để đánh bùn sang ao mà thôi.
Hãy nghe những gì mà tác giả của bài trên Tân Hoa xã viết với một thái độ trịch thượng, kẻ cả: “Tại sao Việt Nam và Nhật Bản cùng chịu ảnh hưởng nặng của văn hóa Trung Hoa lại sinh lòng hiềm khích với Trung Quốc?”.
Hỡi ôi! Ngang nhiên mang giàn khoan nước sâu cắm vào lòng biển của người khác, thì làm sao lòng người lại không nổi can qua!
Hãy nghe tác giả bài viết, hẳn không phải không thuộc sử, mà chẳng qua là học Tôn Tử, “giả si bất điên”, giả ngu chứ không hề điên, viết: “Lẽ nào họ (chỉ Việt Nam và Nhật Bản) không biết Trung Quốc từng là một trong những quốc gia lớn mạnh nhất thế giới, nhưng không hề có lịch sử xâm lược nước khác hay sao?”. .
Cái này thì đúng là không biết thật!
Tác giả bài viết, dù cố “cười nụ giấu dao”, nhưng cuối cùng vẫn phải lòi ra giọng dọa dẫm: “Bây giờ Trung Quốc là sự đe dọa hay cơ hội đối với thế giới, sẽ phụ thuộc vào cách mọi người xóa bỏ định kiến về Trung Quốc như thế nào”!
Cuối cùng, dù thấy tác giả của bài trên Tân Hoa xã viết nhiều điều hồ đồ, nhưng không thể không đồng ý với tác giả ở một câu, cũng trong bài viết này: “Lẽ nào không biết Trung Quốc ngày nay vẫn tin vào một điều cổ huấn là: Nước tuy lớn, nhưng hiếu chiến tất vong quốc”.
Biết chứ!