Obama thừa nhận tình báo Mỹ bất ngờ trước khả năng của IS

Đức Huy |

Obama thừa nhận Mỹ đã đánh giá thấp mối đe dọa từ IS và coi việc loại bỏ tổ chức này là một chiến dịch dài hơi.

Một tuần sau khi Washington bắt đầu không kích căn cứ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, giới chức trách Mỹ vẫn đang có những quan điểm đối lập về chiến dịch này.

Trong một cuộc trao đổi với kênh truyền hình CBS hôm 28/9, tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng thừa nhận Washington đã đánh giá thấp mối đe dọa từ IS.

Phát biểu của Obama tương tự với tuyên bố trước đó của trưởng bộ phận tình báo Mỹ James Clapper. Cụ thể hơn, người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng chính phủ Mỹ đã "không lường trước được một số tình tiết phát sinh từ cuộc nội chiến Syria."

Theo ông, tàn quân của mạng lưới khủng bố al-Qaeda sau khi bị đánh đuổi khỏi Iraq đã trốn sang Syria và gia nhập IS, qua đó gia tăng đáng kể lực lượng của tổ chức này, vượt xa những dự liệu trước đó của tình báo Mỹ.

Cuộc sống địa ngục trần gian tại thành trì IS được phơi bày Cuộc sống "địa ngục trần gian" tại thành trì IS được phơi bày

Với chiếc camera giấu kín dưới khăn trùm mặt niqab, một phụ nữ bí ẩn tại thành phố Raqqa (Syria) đã ghi lại những hình ảnh cuộc sống bị đàn áp trong chế độ cực đoan của IS.

Tổng thống Obama cũng thừa nhận Washington đã chủ quan khi đánh giá quá cao khả năng của binh sĩ Iraq do quân đội Mỹ huấn luyện. Dưới sự công kích của IS mùa hè vừa qua, lực lượng này đã thất thủ chóng vánh và qua đó để mất thành phố Mosul, một căn cứ quân sự quan trọng tại phía bắc Iraq.

Trong phần còn lại của cuộc phỏng vấn, Obama nhấn mạnh loại bỏ IS sẽ là một chiến dịch dài hơi và cần nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Ông cũng đảm bảo với người dân trong nước rằng Mỹ sẽ tiếp cận cuộc chiến này một cách hoàn toàn khác so với những gì đã xảy ra tại Afghanistan hay Iraq trước đây.

Cụ thể hơn, Obama tuy cho rằng việc can thiệp quân sự từ phía Mỹ là cần thiết nhưng ông không hề có ý định sẽ cho quân đội Mỹ đổ bộ lên Syria hay Iraq trong chiến dịch chống khủng bố lần này. Về lâu dài, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn thiên về phương án giải quyết mang tính chính trị cho các vấn đề Trung Đông.

Theo Obama, mục tiêu của Mỹ sau cùng là xây dựng một mạng lưới chống khủng bố tại Trung Đông, trong đó Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Ông nói: "Nếu chúng tôi làm tốt nhiệm vụ của mình trong giai đoạn đầu, vai trò của Mỹ tại đây sẽ giảm dần."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại