Obama - Putin nghĩ gì về nhau?

Hùng Anh |

(Soha.vn) - Trước cuộc họp với nhà lãnh đạo Nga năm 2009, ông Obama phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng "Tôi nghĩ ông Putin còn mắc kẹt một chân trong lối làm việc kiểu cũ."

Ở vị thế những người lãnh đạo đất nước, một khi đã có quan hệ tốt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, họ đều có ý thức "giữ mồm giữ miệng", hiếm khi xỏ xiên, nói kháy lẫn nhau.

Chiếu theo tiêu chí đó thì dường như Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Vladimir Putin không tìm thấy được sự hòa hợp.

Puin, Obama vẫn "lục đục" ngay cả trong "thời bình"

Ông Barack Obama bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của mình bằng kế hoạch tái khởi động mối quan hệ vốn đang lạnh nhạt với Nga. Song theo Đài tiếng nói quốc gia Mỹ NPR, đáp lại những nghĩa cử đó, ông Putin lại dập tắt tất cả mọi thứ.

Kể từ khi ông Putin tái nhậm chức Tổng thống năm 2012, quan hệ Nga – Mỹ giống như một tảng băng ngày càng chìm sâu với một loạt những động thái "ăn miếng trả miếng", ngay cả trong những thời điểm mà ông Obama nhấn mạnh rằng quan hệ cá nhân của mình với người đồng cấp Nga hoàn toàn bình thường.

Sau khi Mỹ thông qua dự luật trừng phạt một số quan chức Nga vì cáo buộc vi phạm nhân quyền, Nga lập tức cấm công dân Mỹ không được nhận con nuôi là trẻ em Nga. Thời điểm Nga công khai giang tay che chắn cho Edward Snowden, kẻ làm lộ hàng nghìn tài liệu tình báo tuyệt mật của Mỹ, ông Obama cũng không hề do dự mà hủy luôn cuộc gặp với ông Putin.

Obama đã nhiều lần công khai thể hiện sự bất mãn với Putin bằng những bình phẩm đầy mỉa mai, chỉ trích. Trước cuộc họp với nhà lãnh đạo Nga năm 2009, ông Obama phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng "Tôi nghĩ ông Putin còn mắc kẹt một chân trong lối làm việc kiểu cũ”. Năm 2013, ông Obama không ngần ngại chọc tức Putin khi mô tả nhà lãnh đạo Nga "trông như đứa trẻ ủ rũ ngồi cuối lớp."

Tuy nhiên, Putin tỏ ra không mấy quan tâm đến việc Obama nghĩ gì về mình. Trong một lần trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AP, ông đã nói thẳng: “Người Mỹ bầu ra ông Obama không phải để làm hài lòng nước Nga. Và người Nga cũng không bầu ra kẻ đầy tớ hèn mọn này của các bạn để làm vừa lòng bất cứ ai”.

Tờ Politico dẫn nhận định của ông Peter Rutland, chuyên gia về Nga tại Đai học Wesleyan (Mỹ), rằng: "Đây là sự vụng về không thể tin được về mặt ngoại giao, bởi đương nhiên Putin sẽ phản ứng tiêu cực. Mối quan hệ cá nhân này đã chết ngay từ khi mới bắt đầu".

Nhiều năm trời, giới phê bình thường chỉ trích ông Obama vì loay hoay chưa tìm ra cách "đối nhân xử thế" với ông Putin, thế nhưng cũng chẳng ai rõ là liệu thực sự có cách gì hay không.

Căng thẳng Syria và đòn trực diện của Putin nhằm vào Obama

Vào thời điểm Nga và Mỹ đang cố gắng đạt được một thỏa thuận hoà bình để giải giáp vũ khí hóa học của Syria, thì ông Putin xuất hiện trên thời báo The New York Times trong một bài viết chĩa mũi dùi vào ông Obama. Ông Putin viết: "Thật đáng báo động khi hành vi can thiệp quân sự vào các cuộc xung đột nội bộ ở quốc gia khác đã trở thành thói quen của nước Mỹ... Là vì lợi ích dài hạn của Mỹ ư? Tôi nghi ngờ điều đó."

Việc Tổng thống Nga sử dụng một tờ báo danh tiếng bậc nhất nước Mỹ làm phương tiện đả kích Tổng thống Mỹ chẳng khác nào một đòn giáng trực diện vào ông Obama, khiến giới chính trị Mỹ sục sôi.

Người đứng đầu khoa nghiên cứu Nga tại Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ cho rằng: "Đây gần như là việc chưa từng xảy ra trong lịch sử mối quan hệ này".

Hành động của ông Putin thực sự khiến người khác phải tò mò, bởi ai cũng nghĩ rằng trong khi hai quốc gia đang cố gắng tổ chức các cuộc đàm phán về chủ đề Syria thì lẽ ra lãnh đạo hai nước chỉ phát biểu những câu “an toàn”, thể hiện thiện chí hợp tác hướng tới mục tiêu chung.

Trên thực tế Mỹ và Nga nhìn nhận câu chuyện ở Syria qua những lăng kính hoàn toàn khác biệt. Trong khi ông Obama coi đó là cuộc khủng hoảng nhân đạo thì ông Putin lại lo ngại Mỹ đang kiếm cớ để can thiệp vào mạng lưới địa chính trị của mình. Tổng thống Nga cũng không hài lòng với cách mà những động thái quân sự của quân đội Mỹ đã làm thay đổi thể chế ở Iraq hay Libya.

Tuy nhiên, dù thế nào thì nhờ Putin, Syria đã tránh được một cuộc can thiệp quân sự và Tổng tống Bashar al-Assad vẫn tiếp tục tại vị, còn Mỹ cũng không phải làm điều mà mình không muốn - sử dụng tới tên lửa hành trình để giải quyết căng thẳng tại Syria.

Có vẻ như Putin nhận ra mình đã cứu ông Obama một bàn thua trông thấy. Có thể chính vì lý do đó mà Tổng thống Nga tin rằng mình có thể ra đòn trực diện, để rồi lựa chọn tờ The New York Times danh tiếng mà phát đi thông điệp của mình với nước Mỹ và cả thế giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại