Obama: Năm qua giống như “ngồi trên đống lửa”

(Soha.vn) - Những thất bại và bê bối trong chính sách đối nội và đối ngoại làm suy yếu đáng kể uy tín và ảnh hưởng quốc tế của người đứng đầu quốc gia hùng mạnh nhất.

Ngày 6//11 đánh dấu một năm kể từ khi ông Barack Obama tái đắc cử chức Tổng thống Mỹ. Giai đoạn này đã là không đơn giản đối với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.

Ông Barack Obama là hiện thân của chính trị gia mẫu mực - theo quan điểm của người Mỹ theo tư tưởng tự do, nhà lãnh đạo nhà nước phải như vậy. Người da đen với gia đình hạnh phúc, có học vấn tuyệt vời và đường công danh rực rỡ. Theo lời Barack Obama, ông là người Kitô hữu mà tổ tiên theo Đạo Hồi. Ngoài ra, ông đã đoạt giải Nobel.

Tóm lại, ông có đủ các thứ để thành công ở cương vị lãnh đạo một đất nước có những sở thích khác nhau và có đòi hỏi cao với các chính trị gia của họ.

Nhiệm kỳ mới đã làm nảy sinh những vấn đề mới cho ông Barack Obama. Dường như việc công bố hoàn thành các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan đã giúp chính trị gia này ghi điểm. Nhưng, thực tế không phải như vậy.


	Tổng thống Barack Obama

Tổng thống Barack Obama

Cố vấn Vilen Ivanov của Viện Hàn lâm Khoa học Nga phân tích khía cạnh quốc tế trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Barack Obama: “Ông ta không có gì để tự hào trong lĩnh vực này. Tất cả những gì có liên quan đến Syria đã cho thấy rằng, hành vi của ông là rất xa với các cam kết gìn giữ hòa bình, vốn đã từng làm cơ sở để ông Barack Obama được tặng giải Nobel. Nỗ lực gây áp lực cho toàn thế giới không thành công cho thấy rằng, chính sách này ít nhất là thiển cận”.

Về mặt này ông Barack Obama có thể phải nói "cảm ơn" cho người đồng nhiệm Nga. Gần đây, trong bảng xếp hạng những người có ảnh hưởng nhất trên thế giới theo tạp chí Forbes, Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng số một, còn ông Barack Obama đã chuyển sang vị trí thứ hai. Trên thực tế, nhờ sáng kiến tiêu huỷ vũ khí hoá học của ông Putin ở Syria thay cho hành động quân sự chống lại đất nước này, Tổng thống Obama có thể tránh được sự chia rẽ dường như không thể tránh khỏi giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Sự chia rẽ này có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị với hậu quả nghiêm trọng nhất.

Ở đây có thể nhắc đến vụ việc thảm khốc mà nhiều người coi là hành động trả thù cho việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia: vụ giết hại Đại sứ Mỹ Christopher Stevens vào mùa thu năm ngoái tại Benghazi (Libya). Vụ việc này cũng như cuộc tấn công khủng bố ở Boston cho thấy rõ rằng, trong thực tế, các cơ quan đặc nhiệm Mỹ, vốn nhận được nguồn tài trợ dồi dào, đang hoạt động không hiệu quả.

Trong chính sách đối nội cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Chính sách tài khóa không thành công và vẫn còn dựa trên sự phát triển đồng USD, không có đủ vàng để bảo đảm, nợ công rất lớn (hơn 17 nghìn tỷ USD) đã đưa đất nước trên bờ vực vỡ nợ và dẫn đến việc phải đóng cửa tạm thời hàng chục cơ quan, gây lo ngại nghiêm trọng tại Mỹ và ở nước ngoài.

Việc cắt giảm chi tiêu xã hội, thiếu sự tin tưởng vào tương lai, tỷ lệ thất nghiệp cao, những vụ nổ súng chết người hàng loạt ở các thành phố khác nhau trở nên khá thường xuyên - đó là những dấu hiệu của suy thoái kinh tế đã góp thêm vào bức tranh nước Mỹ khá ảm đạm.

Thêm vào đó là vụ bê bối nghe lén bất hợp pháp trên toàn thế giới, trong đó có cả các nhà lãnh đạo nhà nước do cựu nhân viên tình báo Edward Snowden phanh phui.

Chuyên viên Vilen Ivanov cho rằng, đó là sự thất bại chưa từng có trong chính sách đối ngoại của Mỹ: “Edward Snowden cho toàn thế giới thấy rằng, Mỹ cố gắng thực thi chính sách cưỡng ép với những hình thức khác nhau, kể cả bằng cách thu thập thông tin về tất cả mọi người, kể cả về các nước đồng minh và các nhà lãnh đạo thân Mỹ".

Các dữ liệu do Snowden tiết lộ là nguyên nhân dẫn tới sự căng thẳng cực kỳ nghiêm trọng trong quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh chủ chốt của họ ở châu Âu. Cuối cùng phải nhắc đến việc, quá trình tái định hình quan hệ Nga - Mỹ, vốn được thế giới đặt nhiều hi vọng, đã bị thất bại do lỗi của Mỹ.

Theo ý kiến của các chuyên gia Mỹ và quốc tế, tất cả điều này cho thấy rằng, ông Barack Obama không phải là tổng thống mà các cử tri Mỹ mong muốn có.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại