NYT: Khái quát năm 2015 của Trung Quốc bằng 1 từ - "bế tắc"

Hải Võ |

Nhà báo Chris Buckley của tờ New York Times trú tại Bắc Kinh đã có bài phân tích chỉ ra những vấn đề bất ổn mà xã hội Trung Quốc cảm nhận rõ rệt trong năm 2015.

Theo NYT, đối với nhiều cư dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc mà nói, bức màn sương mù trong mùa đông này là một hình ảnh ví dụ phù hợp: Nó khiến các công trình kiến trúc trở nên mờ ảo, không thấy mặt trời, giống như tâm lý bất ổn của người dân.

Trong các cuộc phỏng vấn và trao đổi không chính thức, cư dân Bắc Kinh cho biết 2015 là một năm chờ đợi, kỳ vọng tương lai chính trị và kinh tế của Trung Quốc trở nên sáng sủa hơn.

"Cả nước đều ở trong tình trạng chờ đợi," doanh nhân kiêm ông chủ 1 tạp chí ở miền Nam Trung Quốc Âu Dương Kình nói trong cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh.

Ông nói: "Mọi người đều không rõ tương lai sẽ diễn biến theo phương hướng nào. Tình hình hiện nay rất phức tạp, tâm trạng chung là vừa lo lắng, hy vọng và e ngại. Vì vậy chúng tôi chỉ có thể chờ đợi."

Nhà đầu tư "thấp thỏm" vì nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và thị trường chứng khoán nhiều biến động, đồng thời quan sát khả năng kinh tế "khởi sắc".

Các quan chức thì chú ý đến khả năng chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ảnh hưởng đến công việc của họ trong thời gian bao lâu.

Học giả, tác giả thì "nghe ngóng" các hoạt động của Bắc Kinh đối với giới trí thức và liệu cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt có được nới lỏng hay không. [...]

Người dân Bắc Kinh và các đô thị miền Bắc Trung Quốc thì chờ đợi đợt sương mù ô nhiễm qua đi.

Tâm lý bất ổn trước tương lai của Trung Quốc

Sự không xác định mà Trung Quốc đối mặt lúc này đã vượt ra khỏi mức độ thông thường ở quốc gia rộng lớn và phức tạp này.

Những nghị trình mà ông Tập thúc đẩy vừa rầm rộ nhưng cũng không ít mâu thuẫn. Nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn thông qua tái cấu trúc đảng Cộng sản Trung Quốc và truyền thống Nho học, gia tăng tập trung quyền lực về trung ương để đưa quốc gia này tiến lên.

Tập Cận Bình gần như tin tưởng Trung Quốc phải phục hồi những truyền thống xưa cũ nếu muốn thực hiện các bước đột phá.

Nhưng hiện tại,chiến lược của ông Tập phần nào khiến nhiều người cảm thấy bất ổn và chưa rõ phương hướng mà ông đang dẫn dắt nước này.

Đối với Trung Quốc mà nói, 2015 "là một năm nhiều tín hiệu mâu thuẫn, hay có thể nói là một năm làm dấy lên nhiều mâu thuẫn", theo lời Jeffrey N. Wasserstrom - Giáo sư Đại học California, Mỹ.

"Một mặt, chúng ta thấy Tập Cận Bình nỗ lực chứng minh Trung Quốc có thể bước đi con đường của chính mình.

Nhưng mặt khác, số lần công du nước ngoài của ông ấy nhiều hơn cả những người tiền nhiệm trong vài chục năm qua cộng lại, và ông cũng đi xa hơn," Wasserstrom đánh giá.

Một số doanh nhân và quan chức giấu tên cho biết, cảm giác bất ổn cũng ăn sâu vào hệ thống công chức Trung Quốc và ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Theo họ, sự e sợ bị cáo buộc lạm dụng chức quyền khiến ngay cả những quan chức không có hành vi tham nhũng cũng ngần ngại không dám đưa ra những quyết định quan trọng.

Chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh khiến "nguồn thu nhập xám" bị mất đi, đồng thời cũng làm giảm "động lực" của tầng lớp công chức hành chính.

"Giới quan chức không thể biết được chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt, các hội nghị học tập... đến lúc nào sẽ kết thúc, cũng không biết ai sẽ là người tiếp theo 'ngã ngựa'," nhà sử học Trương Minh của Đại học Nhân dân Trung Quốc cho hay.

"Trên dưới đều không có được cảm giác rõ ràng về phương hướng," ông Trương nói. "Vào thập niên 1980, 1990, mọi việc đơn giản hơn nhiều: Cải cách, xây dựng nền kinh tế thị trường...

Nhưng ngày nay đối với quan chức và người dân mà nói, các chính sách đang trở nên khó nắm bắt hơn."

Những chính sách chống tham nhũng và quản lý chặt chẽ, ngoài việc làm giảm tinh thần của quan chức thì còn gia tăng mức độ khó xác định đối với nền kinh tế. Học giả Trương Minh nhận định, cần phải nhẫn nại chờ đợi thành quả của chính sách điều chỉnh cơ cấu kinh tế.

Học giả xã hội nổi tiếng của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc Tôn Lập Bình gần đây đã cảnh báo, cảm giác bất ổn đối với tương lai của Trung Quốc có khả năng phát triển thành những mối đe dọa tiềm ẩn.

Ông Tôn cho biết, tâm lý vào thời điểm cuối năm 2015 có thể được khái quát bằng 1 từ: "Bế tắc".

"Có cảm giác như chúng ta đang lái xe trên sa mạc Gobi," Tôn Lập Bình nói.

"Những con đường phía trước đều rất rõ ràng. Nhưng khi đi mãi thì đường không còn nữa, mà trước mắt là gò cát.

Con đường nào cuối cùng thông qua được thì mới đúng là 'đường', còn không thông được thì không thể là 'đường'. Nhưng hiện tại chúng ta không thể biết được," học giả này kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại