Những nước cờ cao tay của Nga trong ván bài Ukraine

Hoài Thanh |

Trong cuộc đối đầu Nga - Mỹ, sức mạnh hạt nhân không phải là yếu tố hai bên có thể đem ra sử dụng trực tiếp. Nguồn lực nền tảng vì thế là yếu tố giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Đó cũng chính là những gì mà cả Mỹ và Nga rốt ráo tiến hành trong hơn một năm qua: Tập hợp lực lượng, lôi kéo đồng minh.

Nga là người thắng trong cuộc chiến này. Mỹ chỉ có thể trông đợi vào EU, Canada, Australia và một phần nào đó là Nhật Bản.

Ngược lại, Nga nhận được sự hậu thuẫn từ những nước thuộc nhóm nước các cường quốc có nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Indonesia, Trung Quốc, Nam Phi; thiết lập được thế đứng vững chắc ở Mỹ Latinh, bắt đầu soán chỗ của Mỹ ở châu Á, Bắc Phi.

Hãy hình dung về một cuộc “bỏ phiếu” ở Đại hội đồng Liên hợp quốc mà ở đó có thể xem những lá phiếu không công khai ủng hộ Mỹ chính là sự phản đối Mỹ hoặc ngầm hậu thuẫn Nga, chúng ta sẽ có được một kết quả khá bất ngờ: Những nước thuận theo quan điểm của Nga chiếm 60% GDP, 2/3 dân số toàn cầu, 3/4 diện tích toàn thế giới.

Đó chính là lý‎ do để Tổng thống Putin tin rằng, Nga là bên có khả năng huy động được nguồn lực lớn hơn.

Mỹ chỉ còn hai giải pháp mang tính chiến thuật. Một là, đẩy Nga vào tình cảnh buộc phải lựa chọn giữa kết cục “xấu”, hoặc “xấu hơn”, như những gì mà Washington áp dụng trong những ngày đầu của chính biến Maidan.

Moskva hoặc là chấp nhận một nhà nước Ukraine mang nặng tư tưởng cực đoan, bài Nga - đó sẽ là một mối đe dọa thường trực sát sườn Nga.

Nếu không, Nga sẽ buộc phải đưa quân, can thiệp vũ lực, loại bỏ các phần tử phát-xít mới, không để thế lực này nắm quyền.

Tác động không mong muốn khi đó sẽ là: Thế giới lên tiếng chỉ trích Nga xâm lược một quốc gia độc lập, đàn áp một cuộc “cách mạng”, tư tưởng chống Nga sẽ dâng cao tại nhiều khu vực ở Ukraine, đó là chưa kể đến xu hướng chia rẽ trong xã hội Nga.

Nga đã tránh được bị kịch này: Không hề có sự can dự trực tiếp của Moskva ở miền Đông, xung đột bùng phát và chỉ là cuộc đấu giữa Donbass và Kiev.

Mỹ đã tốn không ít nguồn lực để duy trì một chính quyền dưới dạng “cánh tay nối dài” ở Ukraine, trong khi đó Nga vẫn tỉnh táo đứng bên lề và đưa đề xuất hòa bình.

Giới cầm quyền Kiev thì lâm vào tỉnh cảnh vật lộn với những khó khăn về kinh tế, chiến sự, bất ổn xã hội.

Không chịu thua, Washington chuyển sang đòn đánh thứ hai - một ngón đòn quen thuộc.

Đó là: Khi không thể làm chủ được thế trận, đứng trước nguy cơ thất bại, thì phá đổ tất cả, phá đến cùng để đối phương nếu có chiến thắng thì mức giá phải trả là rất đắt, thậm chí có thể đắt hơn mức giá chịu chấp nhận thất bại.

Người ta bắt đầu thấy sự hậu thuẫn về vật chất của Mỹ cho Ukraine giảm dần, chỉ còn là những cam kết, tuyên bố bằng lời, nhưng lại hối thúc Kiev mở rộng cuộc chiến.

Theo kịch bản này, cần phải để bom đạn xới tung Ukraine, không chỉ ở Donetsk, Lugansk, mà còn ở Lvov, Kiev…

Mục đích thật đơn giản: Hủy hoại toàn bộ các cơ sở hạ tầng xã hội, kích động nội chiến “nồi da xáo thịt” mà để chấm dứt cảnh tượng “tắm máu” này chỉ còn cách viện tới một cuộc can thiệp quân sự quốc tế, liền sau đó là cả “núi” tiền để tái thiết Ukraine cho đến khi quốc gia này có thể tự đứng được trên đôi chân của mình.

Nếu có thắng, khi đó phí tổn sẽ đổ dồn lên nước Nga. Moskva đã đúng khi tin rằng, không chỉ là tiêu hao tiền bạc, mà các nguồn lực của nước Nga sẽ bị căng kéo hết mức trong tình huống này.

Điều nước Nga hướng tới là không để "trái bom" Ukraine phát nổ, không để tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ông Putin đã nhận diện và đánh giá chính xác vai trò của châu Âu: Ở một khía cạnh nào đó, EU chính là “người đồng hành” bất đắc dĩ của Nga trong ván bài Ukraine.

Một cuộc xung đột quy mô quốc tế tại quốc gia Đông Âu này sẽ đẩy chiến sự cháy lan sang cả châu Âu, đe dọa đến sự tồn vong của EU, trong khi đó Mỹ (và cả Anh) thì chẳng hề hấn gì, vì “được” chia cắt bởi các đại dương, eo biển.

Không ra mặt phá quấy Mỹ (bằng chứng là vẫn áp đặt cấm vận có giới hạn chống Nga), nhưng lần đầu tiên người ta thấy Tổng thống Pháp Fracois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra được quyết định có tính độc lập tương đối với Washington.

Mục đích là để đi đến một hình thức thỏa hiệp, có thể chưa phải là hòa bình, nhưng ít nhất là ngừng bắn ở Ukraine. Đó là tiền đề để dẫn tới Thỏa thuận Minsk-2 vừa qua.

Chưa có hòa bình ở Ukraine - điều mà nước Moskva muốn. Nhưng “xung đột đông cứng” hiện nay vẫn tạo cho Nga lợi thế trong cuộc so găng với Mỹ.

Theo thời gian, chính người dân Ukraine và cả châu Âu sẽ hiểu được rằng cần hướng về ai: Một nước Mỹ lăm lăm trên tay trái bom xăng, hay một nước Nga luôn mang bên mình bình cứu hỏa.

Sẽ đến lúc các bên liên quan phải ngồi vào bàn đàm phán, mà ở đó các đối thủ của ông Putin chỉ có thể đưa ra một “mức giá” thấp hơn so với thời điểm một năm trước đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại