Nhờ Trung Quốc, Nga có thể "xoay trục" sang châu Á nhanh hơn Mỹ

Đức Huy |

Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 đã khép lại với những diễn biến mới trong quan hệ Trung-Nga-Mỹ

Sau ba ngày đối thoại, Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 đã chính thức khép lại. Với vị thế chủ nhà, Trung Quốc đã tận dụng tối đa khoảng thời gian tương đối ngắn ngủi này để cho thế giới thấy được tầm nhìn chiến lược về kinh tế trong "Giấc mơ Châu Á - Thái Bình Dương" của mình. 

Trọng tâm FTAAP và "Con đường tơ lụa"

Đằng sau những cái bắt tay và những bức ảnh thân mật, APEC 2014 đã chứng kiến một cuộc cạnh tranh ngầm giữa hai hiệp định thương mại tự do trong khu vực, cụ thể là hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Trong khi Washington thúc đẩy sự hình thành của TPP với sự tham gia của 12 nước (trong đó không bao gồm Trung Quốc), Bắc Kinh lại hướng lãnh đạo các nước đến với FTAAP, một thỏa thuận với mức độ bao phủ hẹp hơn nhưng có sự tham gia của Trung Quốc. Theo Foreign Policy, đây là biện pháp để Bắc Kinh chống lại chính sách tái cân bằng châu Á của Washington.

Ngoài FTAAP, Trung Quốc còn thúc đẩy sự hình thành "con đường tơ lụa", một con bài chiến lược khác trong chiến dịch chống lại TPP của Mỹ. Hôm 8/11 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ chi ra 40 tỉ USD để tiến hành xây dựng các tuyến giao thông, đường sắt, bến cảng, và sân bay trong khu vực Trung và Nam Á. Ngoài mục đích đối đầu với Washington, "con đường tơ lụa" cũng sẽ là phương tiện để Trung Quốc củng cố quan hệ đối tác trao đổi hàng hóa với các nước trong khu vực. 

Kẻ thù của kẻ thù là bạn

Một mặt tranh giành ảnh hưởng với Mỹ cho hiệp định thương mại tự do do mình khởi xướng, mặt khác Trung Quốc cũng tranh thủ củng cố mối quan hệ ngoại giao với Nga. Hôm 10/11, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin đã kí một thỏa thuận năng lượng trị giá hàng tỷ USD, trong đó Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua đường tây Siberia. Theo tờ Financial Times, đây được coi là bước đầu trong việc làm giảm lệ thuộc xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga sang châu Âu, nơi cùng với Mỹ đang có những lệnh trừng phạt với Nga do hệ quả từ căng thẳng Ukraine.        

Các nhà lãnh đạo APEC - một bức ảnh nói lên nhiều điều... Ảnh: Reuters

Trong bài viết của mình trên Russia Today (RT), chuyên gia phân tích các vấn đề châu Á Pepe Escobar chỉ ra rằng, Trung Quốc đang từng bước lôi kéo Nga về phía mình và qua đó "cô lập" Mỹ. Theo ông, bản thân Trung Quốc có thể chưa đủ để chống lại tầm ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, nhưng với sự giúp đỡ của Nga, "giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương" của ông Tập hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. 

Ngoài ra, tuy chỉ là một tiểu tiết, nhưng ông Escobar cho rằng bức ảnh chụp các nhà lãnh đạo APEC (ở trên) là một minh chứng cụ thể cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm biến Mỹ trở thành "người thừa" trong ngôi nhà châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi ông Putin và ông Tập Cận Bình đứng ngay cạnh nhau ở trung tâm, ông Obama lại đứng ở rìa bên phải.   

"Với một quốc gia giàu tính hình tượng như Trung Quốc, việc sắp xếp vị trí như vậy hoàn toàn có thể là một thông điệp chủ tịch Tập Cận Bình muốn gửi tới Mỹ và toàn thế giới", ông Escobar viết trên RT.  

Nga và Chiến tranh Lạnh

Truyền thông Nga cho rằng, tại Washington, các cố vấn chính trị Mỹ hiện đang gây sức ép lên chính quyền Obama, hối thúc ông khởi xướng một Chiến tranh Lạnh thứ hai nhằm kiểm soát ý đồ làm "bá chủ khu vực" của Nga. Thậm chí, theo bài viết của ông Escobar trên  RT, trong tâm trí của một bộ phận đông đảo chính trị gia Mỹ, Chiến tranh lạnh thứ nhất chưa lúc nào kết thúc. Tuy nhiên, dù Mỹ có nỗ lực nhằm chống lại sự hình thành của cái gọi là một "thế giới đa cực" với sự hiện diện của liên minh Nga-Trung Quốc, những thống kê kinh tế gần đây lại cho thấy điều ngược lại. Mỹ đang tỏ ra yếu thế.

Dù kinh tế Nga đang phải hứng chịu nhiều tổn thất do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, NATO và sắp tới là EU, nhưng với sự hậu thuẫn của Trung Quốc, Nga hoàn toàn có thể "xoay trục" sang châu Á. Với vị trí địa lý thuận lợi hơn hẳn, "trục" của Nga nhiều khả năng sẽ "xoay" nhanh hơn và hiệu quả hơn "trục" của Mỹ. Nói cách khác, theo ông Escobar, Nga không "ngán" Chiến tranh lạnh.   

Tập Cận Bình và Vladimir Putin cạn chén thân mật Ảnh: ITAR-TASS
Tập Cận Bình và Vladimir Putin "cạn chén" thân mật Ảnh: ITAR-TASS

Trở lại với Mỹ, liệu TPP và chiến dịch "Xoay trục ra châu Á" của Obama có đem lại hiệu quả? Liệu một có "chọi" được hai? Liệu Washington có thể giữ được vị thế của mình trong trật tự thế giới mới này? Thời gian sẽ đem đến câu trả lời. Nhưng vào thời điểm này, có thể khẳng định chắc chắn rằng, qua cái bắt tay đầy hữu nghị của lãnh đạo Trung-Nga cùng những thỏa thuận năng lượng quan trọng trị giá lên tới hàng tỷ USD vừa qua tại APEC, một liên minh hùng mạnh đang nổi lên với tham vọng "cầm trịch" ảnh hưởng trên toàn bộ khu vực Á-Âu. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại