Ngay sau khi Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ công bố kế hoạch triển khai bộ binh tới tham chiến tại Syria, Nga và một số quốc gia và tổ chức tại Trung Đông đã phản đối quyết liệt, đồng thời cảnh báo nếu các lực lượng này đặt chân vào lãnh thổ Syria thì sẽ gây hậu quả tai hại cho toàn bộ khu vực Trung Đông.
Ông Nikolai Kovalyov, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga đồng thời là thành viên Hội đồng An ninh và chống Tham nhũng của Duma Quốc gia Nga cảnh báo, không quân Nga có thể sẽ không kích nếu các lực lượng này đặt chân vào lãnh thổ Syria bởi Nga sẽ không thể phân biệt được họ với lực lượng khủng bố và sẽ buộc phải hành động theo yêu cầu của chính quyền hợp pháp tại Syria.
Cùng ngày, thủ lĩnh phong trào Hezbollah ở Lebanon Sayyed Hassan Nasrallah cho rằng, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một cuộc chiến tranh kéo dài ở Syria thay vì nhất trí một giải pháp có thể dẫn đến việc Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục tại vị.
Ông Nasrallah nói: "Đối với họ, không có vấn đề gì nếu Syria tiếp tục bị chiến tranh phá hủy. Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel không có vấn đề gì với điều đó.
Họ đang thúc đẩy việc gửi các lực lượng bộ binh quốc tế bởi vì họ không sẵn sàng chấp nhận một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria".
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng cho rằng, sẽ rất nguy hiểm nếu Saudi Arabia đưa quân vào Syria; đồng thời gọi đây là một mưu đồ chính trị nhằm thu hút các nước khác vào cuộc xung đột khu vực:
Ông Zarif nói: "Chúng tôi cho rằng sẽ rất nguy hiểm khi cố lôi kéo các nước khác tham gia vào một cuộc chiến tại khu vực. Tất cả nên hướng tới việc tìm giải pháp hòa bình, không nên tạo nguy hiểm và thù địch tại khu vực”
Theo các chuyên gia phân tích, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ những nghi ngờ nước này tự ý đưa quân đội vào Syria vào tuần trước. Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận cáo buộc này với lý do sẽ không hành động đơn phương, đồng thời kêu gọi trợ giúp từ các đồng minh.
Trước đó, kể từ ngày 13/2, quân đội Thổ Nhĩ kỳ đã liên tục nã pháo vào các lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng người Kurd, vốn bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi là phần tử khủng bố, đã tận dụng sự suy yếu của các nhóm vũ trang nổi dậy, trong đó có nhóm Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng trước các cuộc không kích của Nga và quân đội Syria cùng sự trợ giúp của lực lượng dân quân Iran để giành được một số vùng lãnh thổ và tăng cường sự hiện diện ở vùng biên giới tại Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Kurd tại Syria không phải là đồng minh của Nga nhưng lại được cả Nga và phương Tây ủng hộ trong cuộc chiến chống IS.
Chính vì thế, các chuyên gia nhận định, nếu Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia gửi bộ binh sang Syria có thể khiến Trung Đông lâm vào một cuộc chiến tranh rộng lớn nhất trong lịch sử khu vực./.