Nhật thúc đẩy khả năng xuất quân bảo vệ đồng minh

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe quyết tâm sớm rũ bỏ các hạn chế trong Hiến pháp để Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) có thể bảo vệ các đồng minh nước ngoài nếu chiến tranh xảy ra.

Theo báo Asahi, mới đây ông Abe tuyên bố muốn Chính phủ phê chuẩn “cách hiểu mới” về Hiến pháp hòa bình Nhật trước khi Quốc hội kết thúc kỳ họp hiện tại vào ngày 22-6. Sự thay đổi này sẽ cho phép Nhật thực thi quyền “phòng vệ tập thể”. Điều đó có nghĩa là SDF được phép tham chiến nếu các đồng minh của Nhật, chẳng hạn như Mỹ, bị tấn công.

Đề xuất của Thủ tướng Abe hiện vấp phải phản ứng của Đảng Komeito Mới trong liên minh cầm quyền. Tuy nhiên báo Wall Street Journal dẫn lời một số nhà quan sát nhận định với tỉ lệ ủng hộ cao của dư luận dành cho ông Abe và vị thế mạnh mẽ của Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền trong Quốc hội, Chính phủ Nhật có thể sẽ phê chuẩn kế hoạch này trong tuần tới.

Sáu điều kiện cần thiết

Điều 9 trong Hiến pháp Nhật không công nhận chiến tranh là phương tiện để giải quyết các xung đột quốc tế có liên quan đến nước này. Đã từ lâu, điều 9 được hiểu là quy định cấm Nhật sử dụng lực lượng vũ trang để hỗ trợ một quốc gia đồng minh bị tấn công. Tuy nhiên hồi tháng 5, một ủy ban tư vấn của Chính phủ công bố báo cáo nghiên cứu khẳng định cách hiểu này không giúp duy trì hòa bình và ổn định tại Nhật, trong khu vực và trên thế giới, “do các tình huống chiến lược liên tục thay đổi”.

Ủy ban tư vấn cho rằng Tokyo cần hỗ trợ nước đồng minh bị tấn công “nếu cuộc tấn công đó dẫn tới một cuộc tấn công trực tiếp vào Nhật, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, tới trật tự quốc tế, hủy hoại cuộc sống và quyền lợi của người dân Nhật”. Thủ tướng Abe cũng đánh giá quyền phòng vệ tập thể là cần thiết để đảm bảo sự an ninh, thịnh vượng của Nhật và hòa bình khu vực.

Theo đề xuất của Thủ tướng Abe, việc Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể phụ thuộc vào sáu điều kiện. Thứ nhất, một quốc gia đồng minh thân cận của Nhật bị tấn công. Thứ hai, Nhật sẽ đối mặt với nguy cơ an ninh nghiêm trọng nếu không sử dụng vũ lực. Thứ ba, một quốc gia thứ ba bị tấn công đề nghị sự hỗ trợ quân sự của Nhật. Thứ tư, thủ tướng quyết định dùng vũ lực. Thứ năm, Quốc hội phê chuẩn quyết định của thủ tướng. Thứ sáu, một quốc gia thứ ba cho phép Nhật đưa quân vào lãnh thổ nước này để giải quyết xung đột.

Một số nhà phân tích cho rằng ông Abe muốn sớm thúc đẩy quyền phòng vệ tập thể vì đang có dư vốn chính trị sau khi giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng nhờ các chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Trước đó ông cũng từng tuyên bố muốn cải tổ các quy định hướng dẫn hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Nhật vào cuối năm nay. Việc sớm đảm bảo quyền phòng vệ tập thể sẽ cho phép Tokyo có thêm thời gian để đàm phán với Washington.

Nguy cơ từ Trung Quốc

Trước Quốc hội Nhật, ông Abe khẳng định tình hình an ninh đang ngày càng trở nên bất ổn và nghiêm trọng tại châu Á - Thái Bình Dương, buộc Tokyo phải thực thi quyền phòng vệ tập thể. Hai mối đe dọa lớn nhất chính là tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông cùng chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Xã luận của báo The Economist bình luận sau Thế chiến II, Nhật đã trở thành “công dân gương mẫu” của thế giới, có nhiều đóng góp to lớn cho hòa bình và thịnh vượng châu Á. Hiến pháp hòa bình của Nhật có công lớn đối với thành tựu đó. Tuy nhiên, cách hiểu cũ đối với điều 9 Hiến pháp Nhật đã trở nên lỗi thời khi bất ổn và căng thẳng đang leo thang tại khu vực, đặc biệt là việc Trung Quốc tăng cường vũ trang dữ dội và liên tục gây hấn trên biển Đông.

Bằng chứng mới nhất là việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và đưa giàn khoan 981 cùng tàu chiến tới vùng thềm lục địa và EEZ của Việt Nam. Trong thời gian qua, chính quyền Trung Quốc chỉ trích kế hoạch phòng vệ tập thể của ông Abe là “đưa Nhật trở lại với chế độ quân phiệt”. Nhưng The Economist nhấn mạnh chính truyền thông Trung Quốc đang hô hào dùng vũ lực đối phó với Mỹ và các nước láng giềng. Chính phủ Bắc Kinh còn điều tàu chiến tới biển Đông và tàu tuần tra đến biển Hoa Đông.

Hành động của Trung Quốc cũng đang trực tiếp đe dọa Nhật. Trong nhiều tháng qua, Bắc Kinh liên tiếp điều tàu tuần tra tới vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát. Theo báo Japan Times, hôm qua Bộ Ngoại giao Nhật đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để phản đối vụ Bắc Kinh điều hai máy bay chiến đấu Su-27 áp sát máy bay tuần tra Nhật trên bầu trời biển Hoa Đông hôm 11-6. Vụ việc tương tự cũng xảy ra ngày 25-5.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại