Nhật Bản – Philippines: Lợi dụng nhau nhưng đồng sàng dị mộng?

Hôm qua, trang CRI online của Trung Quốc đăng tải bài bình luận có tựa đề: Hợp tác quân sự Nhật Bản – Philippines: Đoàn kết nhất trí hay đồng sàng dị mộng?

Bài viết cho rằng, đằng sau sự tăng cường hợp tác về mặt quân sự của Nhật Bản và Philippines là để lợi dụng nhau về lợi ích kinh tế và đối phó với Trung Quốc.

 

Theo hãng thông tấn Pháp, ngày 27/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết, nước này đang xem xét việc mở cửa căn cứ quân sự rộng hơn cho Mỹ và Nhật Bản.

Ông Gazmin nói, chính phủ Philippines đang đề ra một kế hoạch sơ bộ, cho phép quân đội Mỹ đồn trú ở căn cứ quân sự của nước này trong thời gian dài hơn. Kế hoạch này cũng có thể áp dụng với Lực lượng tự vệ Nhật Bản.

Nếu các bên đi đến thống nhất về kế hoạch này, dự tính binh lực Mỹ sẽ vào Philippines nhiều hơn. Ông Gazmin cho cho biết, xem xét việc Nhật Bản cũng là đối tác chiến lược của Philippines, quốc gia này cũng hoan nghênh Lực lượng tự vệ Nhật Bản sang thăm.

Sáng 27/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã tổ chức hội đàm. Hai bên đồng ý phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời triển khai hợp tác trong các lĩnh vực hải dương, hàng không.

Hai ông này còn đi đến thống nhất trong việc thương thảo cuộc hội nghị cấp thứ trưởng của lực lượng phòng vệ hai nước. Vấn đề khiến dư luận quan tâm nhất trong cuộc hội đàm giữa hai bên là tăng cường hợp tác quân sự. Ngoài việc hoan nghênh Lực lượng tự vệ Nhật Bản sử dụng căn cứ quân sự nói trên, còn có vấn đề Nhật Bản dự tính sẽ giúp Philippines nâng cao sức mạnh quân sự và bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thành quả quan trọng nhất mà hai bên đạt được trong cuộc hội đàm lần này là đi đến thống nhất kế hoạch Nhật Bản cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra kiểu mới.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario, lô tàu này sẽ có mặt ở Philippines trong vòng 18 tháng lới. Còn việc Lực lượng tự vệ Nhật Bản sử dụng căn cứ quân sự của Philippines và Nhật Bản giúp Philippines nâng cao sức mạnh quân sự, cuộc hội đàm lần này chỉ hình thành được bản ghi nhớ, không có biện pháp thực tế gì. Đồng thời, sự hợp tác này cũng phải đối mặt với một số khó khăn thực tế.

CRI online cho rằng, trước hết, hiến pháp Philippines không cho phép quân đội nước ngoài đồn trú tại nước mình. Nếu Nhật Bản muốn sử dụng căn cứ quân sự của Philippines, biện pháp khả thi nhất là bắt chước Mỹ ký kết Hiệp định thăm viếng quân sự để sử dụng với danh nghĩa sang thăm tạm thời.

Tuy nhiên, một tiền đề của hiệp định quân sự Mỹ - Phi là Mỹ không những là đồng minh quan trọng của Philippines, mà từ lâu còn gánh vác nhiệm vụ phòng ngự quốc gia tổng thể cho Philippines, hai nước có mối liên quan sâu sắc trong lĩnh vực quân sự. Nhật Bản không có được điều kiện này. Đồng thời, trong bối cảnh hiệp định quân sự Mỹ - Phi đã nhiều lần bị dư luận Philippines tỏ ý nghi ngờ như hiện nay, việc Nhật Bản có được chế độ đãi ngộ tương đồng hay không vẫn cần đặt dấu hỏi.

Thứ hai, hoạt động nâng cao sức mạnh quân sự không phải là quá trình tiến hành trong thời gian ngắn là đạt được kết quả, ngoài yếu tố trang bị kỹ thuật, còn cần có đội ngũ chuyên gia quân sự và binh sĩ được huấn luyện bài bản.

Trong vấn đề trên, Philippines lại hết sức lạc hậu. Điều này có thể nhận thấy thông qua trang bị kỹ thuật và sức chiến đấu của Philippines trong các cuộc tập trận song phương Mỹ - Phi tước đây. Đồng thời hoạt động nâng cao sức mạnh quân sự không thể tách rời sự ủng hộ về mặt nền tảng kinh tế.

Vài năm trở lại đây, mặc dù kinh tế Philippines cũng có sự phát triển khá tốt, nhưng những khiếm khuyến trong cơ cấu kinh tế và nền tảng kinh tế khá lạc hậu là một thực tế rất rõ nét. Với nền kinh tế này, Philippines có nâng cao được năng lực quân sự hay không vẫn còn là một ẩn số vì dù gì sự giúp đỡ của người Nhật Bản cũng không thể là cho không.

Do cả Nhật Bản và Philippines đều chỉ ra sẽ cùng nhau bảo vệ quyền và lợi ích ở biển Đông và biển Hoa Đông nên chắc chắn điều này sẽ là một thách thức nhất định đối với việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc trong tương lai.

Tuy nhiên, sự hợp tác này phần lớn vẫn là hành động lôi kéo Nhật Bản của Philippines để Tokyo ủng hộ Manila trong vấn đề biển Đông, còn Nhật Bản thì cũng nhân đà té nước theo mưa, mượn vấn đề của Philippines gây rắc rối cho Trung Quốc.

Mức độ hợp tác rất có hạn, ví dụ năm 2011, khi vừa lên nắm quyền, ông Aquino đã bắt đầu tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản, cho đến thời điểm hiện tại cũng mới chỉ đạt được kết quả liên quan đến 10 tàu tuần tra.

CRI khẳng định, với sức mạnh quốc gia hiện tại, Philippines không đủ tiềm lực và khả năng để ủng hộ Nhật Bản trong các vấn đề liên quan đến biển Hoa Đông.

Ngược lại, trong vấn đề biển Đông, đã từ lâu, thái độ cứng rắn mà Manila thể hiện ra đều cần sự ủng hộ của thế lực bên ngoài mới có thể duy trì. Nếu Tokyo muốn ủng hộ hoặc giúp đỡ Manila trong vấn đề biển Đông nhằm đạt các lợi ích mang tính thực chất thì sự “đầu tư” này chắc chắn sẽ không nhỏ, đổi lại Nhật Bản sẽ thu hoạch được những gì vẫn còn là một ẩn số rất mơ hồ.

Ngoài ra, mặc dù hai nước đều thể hiện rõ lập trường hợp tác để đối phó với Trung Quốc, nhưng trên thực tế, mục tiêu nhằm vào Trung Quốc không phải chủ yếu để gắn kết sự hợp tác giữa hai nước, mà phần lớn chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Ngược lại, lợi ích kinh tế của hai nước đằng sau vấn đề này mới là yếu tố quan trọng hơn cả.

Cho dù tương lai có đối phó với Trung Quốc thật hay không, mục đích quan trọng nhất của việc Manila tăng cường hợp tác quân sự với Tokyo, cho phép Nhật Bản sử dụng căn cứ quân sự nước này là mong muốn có được sợ viện trợ về mặt quân sự, đồng thời cũng có cơ hội giúp Philippines xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản.

Còn đối với Tokyo, xe hơi Nhật Bản là thương hiệu phổ biến nhất ở thị trường Philippines. Nhật Bản có rất nhiều hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực giao thông, tài chính ở Philippines. Khách du lịch Nhật Bản cũng là một trong những nguồn khách chủ yếu của Philippines. Vì chính trị và an ninh xã hội Philippines khá bất ổn, tăng cường hợp tác quân sự để gia tăng độ ảnh hưởng tới cục diện Philippines là điều phù hợp với lợi ích kinh tế thiết thực của Nhật Bản. Thực ra trước đó Mỹ cũng làm như vậy đối với Philippines.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại