Nhật Bản: Hòa Nga để ‘chống’ Trung Quốc?

Giới quan sát cho rằng hội đàm 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Nga với Nhật nhằm “bắt tay hòa hoãn” để rảnh rang trong cuộc chiến chống TQ ở biển Hoa Đông.

Theo kế hoạch, cuộc hội đàm 2+2 này sẽ diễn ra tại Tokyo vào ngày 1/11 giữa Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu của Nga với những người đồng cấp là Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera của Nhật Bản.

Đây là một trong những động thái cho thấy mối quan hệ giữa 2 nước đã ấm lên một cách đáng kể bởi trước đây Nhật Bản chỉ tổ chức các cuộc hội đàm kiểu này với những đồng minh vô cùng thân thiết của mình là Mỹ và Australia. Cuộc hội đàm được cho là kết quả từ 4 cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng với hàng loạt cuộc trao đổi quan chức cấp cao 2 nước trong vòng 6 tháng qua.

Quần đảo Kuril

Truyền thông Nhật Bản cho biết, trong cuộc hội đàm song phương giữa Ngoại trưởng Lavrov và Kishida, vấn đề chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp (quần đảo Kuril) sẽ được mang ra thảo luận. Đây cũng chính là cản trở lớn nhất khiến 2 cường quốc này chưa thể ký Hiệp ước Hòa bình kể từ khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc.

Trong ngày 2/11, Hội nghị 2+2 sẽ diễn ra với chủ đề tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiết lộ. Cuộc họp "dự kiến ​​sẽ có tác động gián tiếp, nhưng tích cực trên các cuộc đàm phán trong tương lai hướng tới một hiệp ước hòa bình, bằng cách xây dựng lòng tin giữa các quốc gia", quan chức này nói.

Đến nay, mặc dù Nga và Nhật vẫn là những đối tác thương mại quan trọng của nhau, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ nhưng mối quan hệ giữa Tokyo và Moscow vẫn còn khá căng thẳng do mâu thuẫn về chủ quyền đối với các hòn đảo phía bắc đảo Hokkaido của Nhật Bản – nơi mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc, còn Nga gọi là quần đảo Kuril phía Nam – khu vực dù vẫn còn kém phát triển nhưng lại khá dồi dào nguồn tài nguyên thủy, hải sản.

"Chúng tôi đã nhìn thấy sự nhiệt tình của Tổng thống Putin trong việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản, nhưng nó không nhất thiết có nghĩa là Nga đã sẵn sàng để thực hiện một thỏa hiệp về vấn đề lãnh thổ", quan chức này nói.

Điều đáng nói là mối quan hệ tương đối ấm áp với Nga tương phản hẳn với mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hiện Tokyo vẫn đang vướng vào cuộc tranh cãi với Bắc Kinh về quyền sở hữu của một chuỗi các hòn đảo ở biển Hoa Đông (quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) – nơi lực lượng bảo vệ bờ biển của 2 bên liên tục có những đụng độ.

Tình hình ở khu vực này đột ngột trở nên tồi tệ hơn khi hồi tuần trước Nhật Bản tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay không người lái nào xâm phạm vào không phận. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đáp trả một cách cứng rắn bằng tuyên bố việc “bắn hạ máy bay” sẽ được coi là "một hành động tuyên bố chiến tranh".

Nhật Bản lên tiếng cáo buộc rằng Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho hòa bình trong khu vực.

Bên cạnh tranh chấp với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc từ lâu cũng đã rất căng thẳng trong việc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo).

Các tranh chấp lãnh thổ này cũng đang thổi bùng lên những mâu thuẫn lịch sử chưa được giải quyết và bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại