Ngày 28/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Barack Obama đề bàn về vấn đề khủng hoảng ở Ukraine và căng thẳng ở Crimea. Đây là cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên giữa hai tổng thống sau khi Mỹ và các đồng minh châu Âu áp đặt cấm vận nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, nếu chỉ đọc những bản tóm tắt mà Nhà Trắng và điện Kremlin viết về nội dung của cuộc điện đàm này thì khó có thể hình dung được rằng, cả hai nhà lãnh đạo đã trực tiếp gọi điện nói chuyện với nhau về cùng một vấn đề, bởi giữa chúng có khá nhiều điểm khác biệt.
Đây là những gì Nhà Trắng nói về cuộc gọi giữa Putin và Obama:
Tổng thống Putin đã gọi cho Tổng thống Obama ngày hôm nay để thảo luận về đề xuất của Mỹ liên quan tới một nghị quyết ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Nghị quyết này một lần nữa đã được Ngoại trưởng Kerry trình bày với Ngoại trưởng Lavrov tại cuộc gặp ở The Hague đầu tuần qua, và đã được chúng ta phát triển dựa theo sự tham vấn của Mỹ với những người đồng cấp Ukraine và châu Âu. Tổng thống Obama đề nghị Nga đưa ra hồi đáp cụ thể bằng văn bản và hai Tổng thống đã nhất trí để ông Kerry và ông Lavrov gặp gỡ bàn bạc các bước kế tiếp.
Tổng thống Obama đã lưu ý rằng chính phủ Ukraine tiếp tục có cách tiếp cận kiềm chế theo chiều hướng giảm căng thẳng leo thang đối với cuộc khủng hoảng. Họ cũng đang tiếp tục tiến hành cải cách hiến pháp và bầu cử dân chủ, kêu gọi Nga ủng hộ quá trình này, tránh các hành động khiêu khích hơn nữa, kể cả việc triển khai các lực lượng tại biên giới với Ukraine.
Tổng thống Obama nhấn mạnh với Tổng thống Putin rằng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tán thành con đường ngoại giao, tham vấn chặt chẽ với chính phủ Ukraine và ủng hộ người dân nước này, nhằm giảm căng thẳng leo thang trong cuộc khủng hoảng. Tổng thống Obama đã nói rõ rằng điều này chỉ có thể thực hiện được khi Nga rút quân và không có thêm bất cứ động thái nào vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Obama đã nhắc lại rằng Mỹ kịch liệt phản đối các hành động vi phạm tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine mà Nga đã thực hiện trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, Điện Kremlin đã thông báo về cuộc điện đàm này như sau:
Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Hai nhà lãnh đạo đã tiếp tục trao đổi về các quan điểm xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ông Vladimir Putin đã nhắc ông Barack Obama chú ý tới sự hoành hành đầy hung hãn của những kẻ cực đoan, những kẻ đe doạ tới người dân yêu chuộng hoà bình, các cơ quan chính phủ và các cơ quan thực thi luật pháp tại nhiều khu vực khác nhau ở Kiev, mà không phải chịu bất cứ sự trừng phạt nào.
Trước sự việc này, Tổng thống Nga đã đề xuất việc xem xét các động thái mà cộng đồng quốc tế có thể thực hiện để giúp ổn định tình hình. Hai tổng thống đã nhất trí rằng những công việc cụ thể cho sự hợp tác này sẽ được hai Ngoại trưởng Nga và Mỹ thảo luận trong tương lai gần.
Ông Vladimir Putin cũng chỉ ra rằng về cơ bản, Transnistria đang bị phong toả, khiến cho cuộc sống của cư dân ở khu vực này trở nên rất phức tạp, các phong trào cũng như hoạt động kinh tế, thương mại bình thường của họ gặp trở ngại. Ông nhấn mạnh rằng Nga ủng hộ việc giải quyết cuộc xung đột ở Transnistria một cách toàn diện công bằng, đồng thời bày tỏ hi vọng mọi việc sẽ tiến triển một cách có hiệu quả tại cuộc đàm phán 5+2.
Như vậy, có thể thấy trong cách tường thuật của 2 bên có nhiều điểm khác biệt về cách nhìn nhận vấn đề.
Trong khi Nhà Trắng mô tả "Tổng thống Obama lưu ý rằng chính phủ Ukraine tiếp tục có cách tiếp cận kiềm chế theo chiều hướng giảm căng thẳng leo thang đối với cuộc khủng hoảng..." thì điện Kremlin lại nói "ông Vladimir Putin nhắc ông Barack Obama chú ý tới sự hoành hành đầy hung hãn của những kẻ cực đoan...".
Theo Nhà Trắng, Tổng thống Obama kêu gọi Nga "rút quân", "không có thêm bất cứ động thái nào vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine", song điện Kremlin, vì một lí do nào đó, đã bỏ qua điểm này.
Ngược lại, Tổng thống Nga bắt đầu nhắc tới Transnistria, một vùng tự trị tại Moldova có chủ yếu là người Nga sinh sống, song Nhà Trắng lại không hề đề cập tới khu vực này. Xét trong thời điểm Transnistria được người đứng đầu liên minh NATO coi là một trong những địa điểm có khả năng bùng phát xung đột, thì sự phớt lờ này của Mỹ rất đáng chú ý.
Dường như chỉ có một điểm chung duy nhất mà cả 2 nhà lãnh đạo đều thống nhất - đó là họ đã trao đổi quan điểm với nhau qua điện thoại.