Điện Élysée tráng lệ trong ngày các đại sứ nước ngoài đến trình quốc thư. Sau cái bắt tay hồ hởi, Tổng thống Pháp Jacques Chirac gọi tôi - đại sứ Việt Nam - là “camarade”. Đây là cách gọi trong tiếng Pháp chỉ dành cho những người đồng chí hoặc là bạn đồng môn ở một số trường lớn.
Lúc bấy giờ là năm 1996, một năm trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 7 được tổ chức tại VN.
Camarade và đồng chí...
Hơn mười năm bôn ba xứ người, tôi đã bảy lần trình quốc thư ở những nước VN có sứ quán và những nước kiêm nhiệm, nhưng vẫn cảm thấy ngạc nhiên khi Tổng thống Jacques Chirac nheo mắt hóm hỉnh rồi gọi mình một cách thân mật hiếm có như vậy...
Nghe tổng thống Pháp gọi mình là camarade, tôi nghĩ chắc ngài tổng thống hàm ý rằng ông và tôi đều là học
Ông Nguyễn Chiến Thắng vào ngành ngoại giao từ năm 1971, nguyên là phó vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài, trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Thắng từng bảy lần trình quốc thư ở Algeria, Mali, Sarauy dân chủ, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Campuchia.
sinh Trường Hành chính quốc gia Pháp (ENA). Dù biết trong cách xưng hô thân mật ấy có đến 90% là lễ tân của một nhà ngoại giao lịch lãm tầm cỡ thế giới, nhưng việc nguyên thủ nước lớn như Pháp quan tâm tìm hiểu lý lịch của đại sứ VN để chào hỏi cũng khiến tôi cảm thấy vinh dự trước đông đảo quan khách.
Ở ngoài nhìn vào công việc trình quốc thư tưởng đơn giản, nhưng thật ra phải tuân theo một số nguyên tắc hết sức chặt chẽ. Theo các quy định về lễ tân ngoại giao, sau khi đã trao bản sao quốc thư (còn gọi là thư ủy nhiệm) tới bộ trưởng ngoại giao nước sở tại, vị đại sứ vừa được bổ nhiệm phải thu xếp với lễ tân để trình thư (bản chính) lên nguyên thủ quốc gia.
Gọi là quốc thư vì thư này do nguyên thủ quốc gia của một nước ký và gửi nguyên thủ quốc gia nước khác để giới thiệu người đại sứ. Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao 1961 quy định các vị đại sứ trình quốc thư theo thứ tự người đến trước, người đến sau, nghi thức đón tiếp thống nhất dành cho tất cả các vị đại sứ, không được phân biệt nước lớn nước nhỏ. Sau khi trình quốc thư, vị đại sứ mới được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao, được ghi danh trong danh sách ngoại giao đoàn theo thứ tự trình thư. Thông thường người nào có thời gian công tác ở nước sở tại lâu nhất kể từ khi trình thư thì được chọn làm trưởng đoàn ngoại giao.
Lần nào trước khi trình quốc thư tôi cũng đọc lại cuốn sách lễ tân của Pháp. Cuốn sách có bìa màu xanh da trời, đầu đề tiếng Pháp là Traité du Protocole. Đây là một trong những cuốn sách nghiệp vụ ngoại giao tôi đã xin được của Bộ Ngoại giao Pháp khi đi học Trường Hành chính quốc gia Pháp năm 1989. Cuốn sách này tôi gửi về nước, ông Lê Mai lúc đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho gửi xuống Viện Quan hệ quốc tế để khai thác nhưng dường như ít người quan tâm, khi về nước thấy tiếc nên tôi... lấy lại để dùng riêng cho mình.
Mặc dù đã đọc kỹ cuốn sách về lễ tân, nhưng trong lần đầu tiên trình quốc thư tại Algeria, tôi vẫn phạm một lỗi nhỏ. Lễ tân chung quy định đại sứ mới đến chưa trình thư lên nguyên thủ thì chưa được tiếp xúc chính thức. Lần ấy khi chưa trình quốc thư, tôi hơi vội vàng xin gặp tổng vụ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Algeria. Ông tổng vụ trưởng nhận lời ngay và hai người đã có một cuộc tiếp xúc vui vẻ. Nhưng chỉ một hôm sau, vụ trưởng lễ tân Algeria đã gọi đại sứ VN lên nhắc nhở về cuộc gặp không đúng nguyên tắc ngoại giao đó. Chỉ là một nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng cho thấy làm nghề đại sứ không được bỏ qua bất cứ nguyên tắc ngoại giao nào dù nhỏ nhất.
Có khi được trình quốc thư ở những nơi sang trọng như điện Élysée, nhưng cũng có lần tôi trình quốc thư trong một ngôi nhà đất. Đó là chuyến đi tới Cộng hòa Sarauy dân chủ. Ngày ấy đất nước này đóng hành dinh tại sa mạc Sahara. Khi đoàn ngoại giao VN đến nơi, bạn cho ở trong một lều bạt màu xanh rất to, buổi tối có các cô lễ tân xinh đẹp pha trà phục vụ theo kiểu địa phương, nâng bình trà lên cao rót xuống để cho cốc trà có rất nhiều bọt, cho nhiều đường, lại bỏ thêm vào một chiếc lá bạc hà. Về khuya thời tiết sa mạc thật lạnh, bầu trời đêm trong vắt lấp lánh đầy sao, các cô gái vừa pha trà vừa kể chuyện sa mạc làm cho vị đại sứ đến từ VN xa xôi cứ ngỡ như mình đang lạc vào truyện cổ ngàn lẻ một đêm.
Sau ba ngày, bạn cho trình quốc thư. Nơi làm việc của tổng thống Sarauy dân chủ là một ngôi nhà thấp, tường bằng đất rất dày. Tổng thống mặc quân phục màu cỏ úa, đứng đợi sẵn, cũng gọi tôi bằng “đồng chí”, nhưng ý nghĩa khác hẳn với chữ “đồng chí” của Tổng thống Jacques Chirac. Người đứng đầu Sarauy dân chủ đã trò chuyện với vị đại sứ đến từ VN như những chiến sĩ cùng chiến hào và tất nhiên không có thủ tục lễ tân nào ràng buộc.
Nơi bắt đầu cũng là nơi kết thúc
Lần cuối cùng tôi trình quốc thư là ở Vương quốc Campuchia (năm 2005). Phu nhân đại sứ được phép dự với tư cách là một thành viên trong đoàn tùy tùng năm người của đại sứ. Lễ tân của bạn dành cho đại sứ với những nghi lễ nhà nước trang trọng: một môtô dẫn đường, sáu môtô hộ tống, thảm đỏ, quốc kỳ và quốc ca hai nước, duyệt đội danh dự. Đội quân danh dự của bạn mặc đồng phục màu cỏ úa, đội mũ sắt, ngù vai vàng, cổ quấn khăn vàng, chân đi ghệt rất oai nhưng súng bồng trên tay có khẩu đã cũ, sơn ở báng súng láng loáng mồ hôi tay. Phó thủ tướng, bộ trưởng cao cấp hoàng cung Campuchia đón ở cổng. Phần nghi lễ diễn ra bên ngoài, dưới ánh nắng chói chang của Phnom Penh. Quốc vương Sihamoni đứng nghiêm trang trước ngai vàng, nhẹ nhàng và cởi mở bắt tay khách, lịch thiệp tặng quà cho đại sứ mới.
Trên đường từ hoàng cung trở về sứ quán, xe chở đại sứ VN đi qua tượng đài Hữu nghị VN-Campuchia, qua đài Độc Lập rồi đi trên đại lộ Norodom. Thật khó diễn đạt bằng lời, nhưng nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trước mũi xe, tôi cảm nhận một niềm tự hào to lớn về đất nước VN.
Nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì tôi là người có duyên với đất nước Campuchia. Năm 1979 khi đang là một cán bộ trẻ măng của Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao, tôi được tổ chức cử sang Campuchia làm thư ký cho đại sứ VN đầu tiên tại Campuchia Ngô Điền.
Để tiện đi lại, Bộ Ngoại giao Campuchia cho tôi mượn một chiếc Honda 50. Hôm đem giấy sử dụng xe đến xin đóng dấu, tôi nhìn thấy Bộ trưởng Hun Sen (lúc này ông Hun Sen đang là bộ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia) ngồi một mình trước cái bàn rộng, mặc bộ đồ kaki màu ghi phẳng phiu, dáng vẻ thư sinh hơn là một nhà quân sự đã lăn lộn trên nhiều chiến trường.
Đóng dấu xong, ông Hun Sen bắt tay người cán bộ trẻ của VN và tươi cười nửa đùa nửa thật rằng sau này dễ dàng thì cho Chiến Thắng mang Honda về VN. Tất nhiên không thể có cái sự dễ dàng đó vì càng về sau càng nhiều luật lệ chặt chẽ. Nhưng câu chuyện ngoại trưởng Campuchia đích thân đóng dấu cho sử dụng xe Honda đã trở thành kỷ niệm khó quên trong đời đại sứ của tôi...