Trước đó, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết Tổng thống nước này Vladimir Putin đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko để thảo luận về các bước đi cần thiết nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn cũng như các phương thức chấm dứt cuộc khủng hoảng vượt quá tầm kiểm soát ở miền Đông Ukraine.
Các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Peskov cho biết: "Hai nguyên thủ quốc gia này đã trao đổi các quan điểm về những việc cần được ưu tiên thực thi để chấm dứt tình trạng đổ máu tại Đông Nam Ukraine sớm nhất có thể. Hai tổng thống có quan điểm khá tương đồng về các phương thức chấm dứt cuộc khủng hoảng".
Văn phòng Tổng thống Ukraine ngày 3.9 ra tuyên bố cho biết, Tổng thống nước này - Petro Poroshenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí về một "thỏa thuận ngừng bắn lâu dài" đối với cuộc chiến đang phủ bóng đen ở khu vực miền Đông Ukraine. Nhưng vết sẹo do chiến tranh để lại tại đây vẫn dai dẳng...
Tan hoang sau cuộc chiến
Cuộc chiến ngày càng khốc liệt khiến hàng triệu người dân miền Đông phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có hàng trăm kiều bào Việt Nam bỏ lại nhà cửa, tài sản đi sơ tán sang các thành phố lân cận. Cuộc nội chiến kéo dài nhiều tháng nay ở miền Đông Ukraine khiến hàng ngàn thường dân vô tội bị thương vong, hàng triệu người phải di tản sống vô gia cư.
Chỉ có người dân vùng Donbass tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu cuộc chiến khốc liệt ngoài sức tưởng tượng, cảnh bom đạn cày xới khiến cả thành phố chìm trong khói lửa, cảnh chết chóc, tan cửa nát nhà. Sự tàn khốc của chiến tranh như một vết sẹo khổng lồ, nham nhở khắc sâu trên diện mạo của vùng Donbass và trong lòng những người dân Ukraine. Họ càng căm thù và oán hận những kẻ gây ra chiến tranh.
Tỉnh Donetsk là tâm điểm của cuộc xung đột, nhiều ngôi làng nơi đây bị phá hủy. Thành phố Donetsk xinh đẹp với nhiều công trình xây dựng chào đón Giải bóng đá EURO 2012 như sân bóng, nhà ga, sân bay và hạ tầng cơ sở, đã và đang bị bom đạn cày xới phá hủy nặng nề.
Chiến tranh đã len lỏi đến từng ngóc ngách ở Donetsk, và ngay cả ở trung tâm thành phố, nơi có hàng trăm kiều bào Việt Nam làm ăn và sinh sống, trận mưa đạn pháo vào khu dân cư nơi có hàng chục hộ dân Việt Nam sinh sống, khiến người dân tháo chạy, sống chết trong gang tấc.
Trong đợt đỉnh điểm của sự tàn khốc, khi trận mưa đạn pháo đầu tiên xảy ra ngày 21.7, nhiều gia đình chưa kịp sơ tán, nhiều quả đạn pháo cắm vào khu chung cư nổ rầm, xé nát toàn bộ cửa kính tòa nhà 9 tầng, mọi người hoảng loạn chạy băng qua sân trường, tìm mọi cách thoát ra khỏi vùng chiến sự.
Chị Trần Thị Nhung, một trong những gia đình sống ở tầng 5 khu phố Slovaxkaya may mắn thoát chết trong gang tấc, khi chạy qua sân trường một quả đạn pháo nổ tung sau lưng chị và một quả cày ngay trước mặt, cách chỉ 40-50 mét, một cảnh tượng không khác gì trong phim "Cánh đồng hoang". Thoát chết trong gang tấc, quá hoảng loạn chị Nhung buộc phải mua vé và đưa hai con về Việt Nam ngay lập tức, mặc dù con cái đang học hành dở dang
Không chỉ có súng, đạn
Người dân ở Đông Ukraine không chỉ lo tránh mũi tên hòn đạn khi chiến sự xảy ra, mà thực trạng cướp bóc, giết người vì cái đói, cái khổ do chiến tranh gây ra cũng đã trở thành vấn nạn ở khu vực này.
Chỉ sau 2 ngày vợ con về đến Việt Nam an toàn, thì anh Trần Lực- chồng chị Nhung bị kẻ xấu lợi dụng lúc chiến tranh, loạn lạc, bắt cóc tống tiền, chúng đánh đập hành hạ dã man, đòi anh phải đổi mạng nếu không đưa cho chúng 15.000 USD.
Vì mới lo cho 3 mẹ con về nước nên anh không có khả năng giao nộp tiền cho bọn chúng, gọi điện cầu cứu anh em bạn bè thì thời điểm đó mọi người ra ngoại thành tạm lánh nạn nên không thể giúp anh được. Anh Lực đành phải đưa chúng về nhà cho chúng lục soát, lục lọi nhà anh chỉ còn hơn chục ngàn grip trị giá khoảng 1.000USD.
Khi nhìn thấy có chìa khóa xe hơi, bọn bắt cóc ép anh Lực mở cửa gara lấy chiếc xe Honda CRV của anh một cách trắng trợn và bỏ đi, để lại những câu hù dọa rợn người nếu báo với chính quyền. Quá sợ hãi, anh Lực đành bỏ lại tất cả nhà cửa tài sản bay về Việt Nam, khó hẹn ngày trở lại...
Gia đình tôi cùng 3 gia đình anh Quang Mai, anh Phái Yến, cùng vợ con anh Quý Hoa may mắn mua được vé về thành phố Odessa trước trận mưa bom chỉ vài ngày. Được Hội Người Việt Nam tại Odessa cùng anh em bạn bè tạo điều kiện giúp đỡ nơi ăn chốn ở tạm ổn định lại cuộc sống. Còn phần đa số di chuyển xuống thành phố Mariupol được bà con cộng đồng tạo điều kiện tá túc, thuê nhà dần ổn định lại cuộc sống.
Khó khăn chồng chất khó khăn, khủng khoảng kinh tế kéo dài khiến nhiều gia đình nguy cơ trắng tay. Nay lại lâm vào cuộc nội chiến, toàn bộ cộng đồng rời bỏ nhà cửa, của cải vật chất di tản sang các thành phố khác, chấp nhận cuộc sống khó khăn chờ ngày hòa bình để trở lại với quê hương thứ hai yêu dấu, nơi bao nhiêu năm gắn bó và gây dựng. Tuy nhiên, hy vọng thật mỏng manh khi thành phố đã bị tan hoang, chìm trong lửa khói, cuộc chiến chưa có hồi kết.
Lê Văn Lương (Từ Ukraine)