Nga trước bài toán nan giải mang tên Ukraine

TTK |

Câu hỏi đặt ra là: Nga sẽ phản ứng như thế nào nếu đến thời hạn chót vào năm tới mà Ukraine vẫn không thể tuân thủ thỏa thuận Minsk?

Trên các phương tiện truyền thông của châu Âu ngày 9/11 rộ lên tin đồn rằng tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 12 tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ gia hạn các lệnh trừng phạt Nga một tháng trước khi các biện pháp này hết hạn vào tháng 1/2016.

Trong 2 tháng qua, Điện Kremlin đã giảm bớt đáng kể các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn tại Ukraine trong nỗ lực thuyết phục một số nước châu Âu, trong đó có Đức, gỡ bỏ lệnh trừng phạt vào tháng 1 tới.

Tuy nhiên, có tin Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ việc gia hạn lệnh trừng phạt mặc dù trong nội bộ Chính phủ của bà đang có những bất đồng xung quanh vấn đề này.

Bình luận về những tin đồn trên, mạng tin "Stratfor" (Mỹ) cho rằng về cơ bản, Nga và châu Âu đánh giá tình hình Ukraine qua hai lăng kính rất khác nhau.

Người Đức phê phán rằng tất cả các bên đều thực hiện thỏa thuận Minsk quá chậm trong khi người Nga chỉ trích Ukraine bất lực, không soạn thảo được quy định cho các cuộc bầu cử địa phương ở những vùng lãnh thổ ly khai cũng như không cải cách Hiến pháp theo yêu cầu của thỏa thuận Minsk.

Một số người Ukraine cho rằng thỏa thuận Minsk dành quá nhiều nhượng bộ cho Nga cũng như lực lượng ly khai ở miền Đông.

Trong khi đó, những vụ bạo lực lẻ tẻ trong tuần qua cho thấy cả hai bên đều không nghiêm túc thực hiện việc rút quân.

Do đó, nhóm Normandy đã kéo dài thêm thời hạn chót của việc thực hiện thỏa thuận để Nga, Ukraine và các lực lượng ủy nhiệm có thời gian thực thi các điều khoản của thỏa thuận.

Về phần mình, Nga tỏ ra sẵn sàng chấp nhận bị kéo dài lệnh trừng phạt để thỏa thuận Minsk có được kết quả như họ mong muốn.

Tuy nhiên, ngay cả khi thời hạn chót được ấn định vào một thời điểm nào đó trong năm tới, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Kiev sẽ sẵn sàng, hoặc có thể, có những nhượng bộ trong tương lai gần.

Nga chưa thu được tất cả những gì họ muốn trong cuộc mặc cả về vấn đề miền Đông Ukraine.

Kiev chưa nắm chắc được quyền lực trong tay, có nguy cơ sẽ phải đối mặt với một cuộc cải tổ chính trị trong khi các tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc đang tìm mọi cách cản trở tiến trình hòa bình.

Do nội bộ Ukraine đầy mâu thuẫn và chia rẽ, người châu Âu gần như không thể gây áp lực buộc chính quyền Kiev phải thực hiện những cuộc cải cách như đã cam kết.

Do đó, câu hỏi đặt ra là: Moskva sẽ phản ứng như thế nào nếu đến thời hạn chót vào năm tới mà Ukraine vẫn không thể tuân thủ thỏa thuận Minsk?

Trên lý thuyết, Nga có thể tăng cường các chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tuy nhiên, làm như vậy Nga sẽ phải hứng chịu hậu quả là phương Tây không chỉ gia hạn những lệnh trừng phạt lâu hơn nữa mà còn bổ sung các lệnh trừng phạt mới khiến nền kinh tế Nga thêm khốn đốn.

Nga có thể chống chọi được với các lệnh trừng phạt hiện nay thêm một năm nữa nếu thấy cần phải làm như vậy.

Hai lệnh trừng phạt gây thiệt hại nặng nề cho Nga nhất là cấm chuyển giao các công nghệ năng lượng tiên tiến và hạn chế hoạt động tài chính của nhiều công ty hàng đầu của Nga.

Mặc dù hai lệnh trừng phạt này buộc Nga phải trì hoãn nhiều dự án năng lượng, song Nga vẫn có thể duy trì được sản lượng hiện nay thêm vài năm nữa.

Việc trì hoãn các dự án mới có lẽ tới năm 2020 mới gây phương hại tới sản lượng dầu mỏ của Nga.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt sẽ trút gánh nặng hơn nữa lên Nga trong trung hạn.

Các công ty lớn nhất nước này có thể thanh toán được số nợ nước ngoài là 30 tỷ USD trong năm nay, nhờ trì hoãn các dự án mới, giảm bớt quy mô hoạt động, và nhận sự trợ giúp của Điện Kremlin hay vay vốn ngân hàng.

Ngoài ra, Điện Kremlin cũng dự định từ nay đến cuối năm trích từ ngân sách dùng trong trường hợp khẩn cấp khoảng 70 tỷ USD để giúp nhiều công ty đang gặp khó khăn.


Kinh tế Nga có nguy cơ suy thoái nếu bị áp đặt thêm biện pháp trừng phạt.

Kinh tế Nga có nguy cơ suy thoái nếu bị áp đặt thêm biện pháp trừng phạt.

Do đó, tuy Nga có thể chèo chống qua được năm 2016 mà không phải lâm vào cảnh vỡ nợ hay đổ vỡ tài chính nào quá lớn, nhưng mọi việc sẽ không hề dễ dàng, cũng như triển vọng lâu dài đối với Moskva là mờ mịt.

Mặc dù các công ty Nga chỉ phải thanh toán khoản nợ tương đối nhỏ gần 16 tỷ USD trong năm 2016, song các hóa đơn đến hạn thanh toán trong năm 2017 và 2018 là 72 tỷ USD.

Từ nay tới khi đó, Điện Kremlin có thể phải tiêu hết ngân sách dùng trong trường hợp khẩn cấp, mặc dù Chính phủ Nga vẫn còn kho dự trữ ngoại hối và Quỹ Tài sản Quốc gia để có thể cầm cự.

Tuy nhiên, những kho dự trữ này theo quy định được dùng vào việc kích thích hoạt động kinh tế và ổn định các thị trường cũng như đồng ruble, chứ không phải là để giúp các công ty lớn trang trải nợ nần.

Nếu Điện Kremlin không muốn để các công ty Nga vỡ nợ hay phải cắt giảm mạnh hoạt động đầu tư trong những năm tới, họ sẽ phải thuyết phục châu Âu ít nhất là bãi bỏ những biện pháp trừng phạt hà khắc nhất.

Điều này sẽ đẩy Điện Kremlin vào thế tiến thoái lưỡng nan trong năm 2016.

Nga cần được gỡ bỏ lệnh trừng phạt vào năm 2016, song điều này đòi hỏi cả Nga lẫn Ukraine đều phải thực hiện thỏa thuận Minsk.

Ukraine đã nói bóng gió rằng có thể họ không đáp ứng được hết những quy định của thỏa thuận, và như vậy Moskva hoặc phải giảm bớt những yêu cầu đối với Kiev hoặc phải chấp nhận để nền kinh tế u ám hơn trong những năm tới.

Trong quá khứ, Nga đã từng chứng tỏ khả năng chấp nhận thiệt hại về kinh tế để đổi lấy việc duy trì vị thế chiến lược của mình tại khu vực, song lần này chưa rõ Moskva có thể cầm cự được bao lâu việc đánh đổi lợi ích kinh tế để lấy những lợi ích địa chính trị tại Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại