Kế hoạch của Ukraine liên quan đến việc gia nhập NATO sẽ buộc Nga sử dụng các biện pháp đối phó.
“Tất nhiên, bất kỳ sự mở rộng nào của một tổ chức quân sự như NATO, theo hướng tiến sát biên giới Nga, sẽ buộc Moscow có biện pháp đối phó nhằm đảm bảo tình hình an ninh bên trong quốc gia”, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 22.9.
Ông Peskov cũng nhấn mạnh Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo về kế hoạch gia nhập NATO của Ukraine.
“Những tuyên bố được đưa ra bởi nhà lãnh đạo Kiev sẽ phải nhận lấy sự hối tiếc”, phát ngôn viên điện Kremlin nói thêm.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia tại Kiev hôm 22.9 rằng, sự hợp tác giữa Ukraine với NATO là mang tính chiến lược.
Ông Poroshenko tuyên bố Ukraine và liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu chưa bao giờ gần gũi hơn so với hiện tại. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tham gia cuộc họp cùng nhà lãnh đạo Ukraine.
“NATO chưa bao giờ thay đổi và không có khả năng thay đổi các mục tiêu ban đầu được tạo ra”, ông Peskov cho biết.
“Trong trường hợp này, chúng ta nên nhớ rằng tổ chức quân sự lớn nhất thế giới NATO được tạo ra với mục đích đối đầu.
Do đó, NATO không thể thay đổi bản chất của mình và mục đích chính của sự tồn tại”, báo chí địa phương dẫn lời ông Peskov.
Trước đó, giới chức Moscow cũng từng cảnh báo các nước cho phép NATO triển khai quân đội và vũ khí trên lãnh thổ của mình sẽ đối mặt với những mối nguy tiềm ẩn, gây ra sự bất ổn trong hoạt động an ninh quốc gia, theo đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko cho biết.
Ông Grushko nhận định, các chính trị gia hay nhà lãnh đạo một số quốc gia cho phép hoặc yêu cầu triển khai quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình nên nhận ra họ đang đẩy đất nước vào những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Nỗ lực triển khai vũ khí và quân đội NATO bên trong quốc gia nhằm chống lại Nga sẽ tiềm ẩn những mối nguy cho quốc gia đó”, nhà ngoại giao khẳng định.
“Tôi đặc biệt có ấn tượng với một số quốc gia tự coi mình là nước tiên phong trong các hoạt động quân sự tại châu Âu, qua đó tăng cường vai trò chính trị của mình.
Tuy nhiên, người Nga không cho rằng đó là một ý tưởng tích cực và nên được thực hiện, khi rõ ràng điều đó có thể mang lại nguy hiểm cho đất nước”, hãng tin Tass dẫn lời ông Grushko.