Thành công lớn
Trong một bài viết gần đây đăng tải trên mạng thông tin Israel Walla, nhà báo Amit Leventhal nhận định, ông chủ Điện Kremlin có lý do để ăn mừng khi mà "mục tiêu lấy lại ngôi vị siêu cường và tầm ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế dần dần đạt được".
Xét ở phạm vi rộng, theo ông Leventhal, điều này là nhờ sự hỗ trợ của Moscow cho chính phủ Syria, bao gồm cả vũ khí tiên tiến cho quân đội chính phủ cũng như tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực thông qua việc xây dựng căn cứ không quân lớn ở Latakia.
"Sự thống nhất về quan điểm của Putin trong việc ủng hộ Assad từ những ngày đầu của cuộc nội chiến Syria đã đơm hoa kết trái".
Ông Leventhal đánh giá, Nga đã hỗ trợ Syria "đúng thời điểm" - ngay trước thềm cuộc họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 70 tại New York cuối tháng này, "nơi Putin dự định có bài phát biểu về những chiến thắng của ngoại giao Nga".
"Xuất hiện trên bục phát biểu tại LHQ ngày 28/9, sau 10 năm vắng bóng, Putin sẽ không đến tay không.
Ông ta sẽ tóm tắt đề xuất của mình trong việc giải quyết tình hình ở Syria, bao gồm các đề xuất đối thoại giữa Assad và Quân đội Syria tự do và các phe đối lập ôn hòa khác. Putin sẽ đề xuất việc hình thành một liên minh chống IS sao cho phù hợp với Nga".
Theo nhà báo người Israel, sự ủng hộ Moscow dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc xung đột dai dẳng ở Syria đã biến Nga trở thành "nhân tố ngoại giao mà LHQ cần phải tính tới.
Đây là thành công lớn đối với Putin, biến quốc gia của ông trở thành người khởi xướng cho các quy trình (giải quyết khủng hoảng) trên trường quốc tế".
Tuy vậy, "sự kiện mấu chốt khiến Nga trở thành nhân tố có tầm ảnh hưởng quốc tế xảy ra cách đây 2 năm", khi thỏa thuận về kho vũ khí hóa học được thông qua và Washington đồng ý để Nga đóng vai trò chính trong việc thực hiện chương trình giải trừ vũ khí.
"Những mối liên hệ xoay quanh vấn đề này và sự chấp thuận từ phương Tây đã đặt Nga vào vị trí người giám hộ của Assad".
Bài học cho phương Tây
"Chậm mà chắc, Putin đang củng cố vị thế của Nga bằng cách lợi dụng sự bối rối của phương Tây và nguyện vọng đứng ngoài cuộc của Mỹ” sau những tổn thương từ việc tham chiến ở Afghanistan hay Iraq, theo nhận định của ông Leventhal.
"Bằng cách này, Tổng thống Nga đã đưa thế giới trở về thế đối đầu, giằng co giữa 2 khối".
Tại Trung Đông, "Putin đã tìm cách lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại, đồng thời gây ảnh hưởng tới từng quốc gia đã mất đi một phần, hoặc hoàn toàn, sự ủng hộ của Mỹ".
Điển hình là việc Nga đang ngày càng thắt chặt quan hệ với chính phủ của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi – nhân vật mà theo Leventhal, "đã trở thành đồng minh của Moscow".
"Nga đang cung cấp vũ khí cho quân đội Ai Cập, hỗ trợ họ chống lại các phiến quân khủng bố Jihad và thúc đẩy dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Hồi tháng Năm, ông Putin đã đón tiếp trọng thể Tổng thống Ai Cập, người hứa sẽ ủng hộ các đề xuất của Nga về Syria".
Thêm vào đó, trong nỗ lực nhằm giành ảnh hưởng ở Trung Đông và khắp thế giới, Nga đã xúc tiến các mối liên hệ tích cực với những nước Ả Rập ở vùng Vịnh, bao gồm Ả Rập Xê-Út, “hi vọng thuyết phục họ chấp nhận sáng kiến của Nga về Syria”.
Trong thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia ở Trung Đông, trong đó có nhà vua Jordan Abdullah II - một trong những đồng minh chính của Mỹ - đã thăm Nga.
Ông này đã công nhận tầm quan trọng của Nga thông qua việc khẳng định, Moscow đóng vai trò không thể thiếu trong việc tập hợp các lực lượng đối lập ở Syria để đưa họ tới bàn đàm phán, nhằm giải quyết khủng hoảng trong nước.
Ông Leventhal thừa nhận: "Cách tiếp cận đầy chủ động của Putin đã dạy cho Mỹ và các đồng minh phương Tây của họ một bài học lớn.
Nga đã khẳng định được rằng chính việc Mỹ xâm lược Iraq đã gieo lên những hạt giống hỗn loạn, dẫn tới sự tăng vọt của các nhóm khủng bố, còn Assad không phải là gốc rễ của vấn đề, mà là chìa khóa để giải quyết nó".
Trong bối cảnh khủng hoảng di cư đang đe dọa châu Âu, Nga đang ép phương Tây phải xác định lại vị trí của mình, không chỉ ở Syria mà còn ở trong các vấn đề khác, ví dụ như Ukraine.
Tổng thống Putin cho rằng nếu không có sự hỗ trợ của Nga, tình hình ở Syria sẽ càng trở nên tồi tệ hơn, đất nước này sẽ rơi vào tay IS, còn châu Âu sẽ còn phải đón nhiều người tị nạn hơn.
Cựu tùy viên quân sự của Nga ở Tehran Nikolai Kozhanov khẳng định, Moscow không chiến đấu vì Assad mà chỉ hỗ trợ chính phủ của ông này chống IS.
Cựu quan chức Nga cũng bày tỏ tin tưởng rằng chính quyền ở Syria đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống IS và rằng ngoài quân đội của Assad, không ai có thể làm được.