Putin-Netanyahu "luận" Syria: Israel lợi 1, Nga lợi 10

Đức Huy |

Với việc đảm bảo được an ninh cho Israel, có thể nói cánh cửa trở thành thế lực số một tại Trung Đông đã rộng mở đối với Nga và Tổng thống Vladimir Putin.

Lần gần đây nhất Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Moscow là vào năm 2013, mang theo 2 sứ mệnh: kêu gọi Nga không đi đến thỏa thuận hạt nhân với Iran, và thuyết phục Tổng thống Vladimir Putin hủy kế hoạch bán hệ thống phòng thủ tên lửa cho Tehran.

Khi đó, ông Netanyahu đã không thể thay đổi quan điểm của ông Putin về thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhưng đã thành công trong sứ mệnh thứ hai của mình, trì hoãn việc vận chuyển S-300 tới Tehran.

Hôm 21/9 vừa qua, với việc Nga một lần nữa đang ở trong một vị trí có thể gây ảnh hưởng cho an ninh Israel tại khu vực Trung Đông, ông Netanyahu đã trở lại Moscow. Lần này, nhiệm vụ của ông còn khó hơn lần trước gấp bội.

"Luận" Syria

Trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân với Iran đã được kí kết và Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Syria, chính ông Netanyahu cũng phải thừa nhận Israel đang ở "thế khó".

Thủ tướng Israel cáo buộc Iran và Syria đã và đang đứng sau Hezbollah, tổ chức Hồi giáo cực đoan là "tác giả" của hàng nghìn loạt rocket và tên lửa nhắm tới Nhà nước Do thái trong nhiều năm qua.

Với việc Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Syria, hai địch thủ lớn nhất của Israel là Iran và Hezbollah cũng tham gia vào liên minh ủng hộ Damascus cùng Moscow.

Do đó, nhiệm vụ của Thủ tướng Israel trong chuyến thăm lần này xoay quanh 2 chữ "đảm bảo": đảm bảo với Nga rằng giữa quân đội hai bên sẽ không có sự hiểu nhầm nào, và đảm bảo những vũ khí tối tân Nga sẽ mang tới Syria không đến được tay Hezbollah.

chuyên gia - viện nghiên cứu washington
David Makovsky
Ông Netanyahu sẽ nói với Nga về 2 "lằn ranh" tại Syria: nếu Damascus công kích Jerusalem, ông sẽ đánh trả; và nếu vũ khí của Nga rơi vào tay Hezbollah, ông cũng sẽ đáp trả.

Theo tạp chí Foreign Policy, Thủ tướng Israel dường như đã đạt được mục đích của mình sau cuộc đàm phán với Tổng thống Nga. Cụ thể, ông Netanyahu cho biết một hệ thống trao đổi thông tin đã được thiết lập nhằm tránh giao tranh giữa quân đội hai nước tại biên giới Syria.

"Đây là một bước tiến quan trọng trong tiến trình đảm bảo an ninh cho Israel, và là kết quả rõ rệt nhất có được từ cuộc đối thoại hôm nay" - ông Netanyahu phát biểu với báo giới.

Nhưng Nga còn lợi hơn

Cũng theo Foreign Policy, nếu nhìn từ phía Nga, việc giúp đỡ chính phủ Bashar al-Assad có thể coi là một phần quan trọng trong chiến dịch tăng cường hiện diện quân sự cũng như tầm ảnh hưởng của Moscow tại khu vực Trung Đông.

Nhưng để làm được điều đó, Nga cần thiết lập quy tắc với Israel, một "ông lớn" trong khu vực. Và với thành công trong việc "vỗ về" ông Netanyahu và đảm bảo không gây hấn với Jerusalem, Tổng thống Putin đã có một khởi đầu mĩ mãn.

Dù bất đồng quan điểm về Palestine, Iran, cũng như nhiều điểm nóng khác tại Trung Đông, Nga vẫn tìm ra cách giữ mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Israel.

Vừa có được sự ủng hộ của Iran và Syria, vừa thuyết phục được Jerusalem rằng an ninh Nhà nước Do thái sẽ được đảm bảo, có thể thấy Nga đã nắm được chìa khóa trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại Trung Đông.

Trong quá khứ, Nga và Israel đã giải quyết được nhiều vấn đề an ninh thông qua thỏa hiệp. Israel đã dừng viện trợ quân sự cho Gruzia sau cuộc chiến năm 2008 với Nga. Đổi lại, Moscow cũng đẩy lùi kế hoạch bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran và Syria.

Bên cạnh vấn đề an ninh, hai nước cũng cải thiện đáng kể quan hệ ngoại giao sau khi Liên Xô tan rã (khi đó Moscow và Jerusalem còn thù địch).

Việc hàng triệu người Liên Xô nhập cư Israel đã dẫn tới giao thương và du lịch giữa hai nước phát triển đáng kể. Ngoài ra, Nga là nhà cung cấp dầu khí số một của Israel. Tổng thống Putin cũng đã tới thăm Nhà nước Hồi giáo hai lần, vào năm 2005 và 2012.


Tổng thống Putin trong chuyến thăm Israel năm 2012. Ảnh: Reuters

Tổng thống Putin trong chuyến thăm Israel năm 2012. Ảnh: Reuters

Dù là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng Israel vẫn giữ lập trường trung lập trong vấn đề Ukraine, và từ chối không tham gia liên minh Mỹ và EU lên án việc Nga sáp nhập Crimea cũng như áp đặt lệnh trừng phạt lên Moscow.

Điều quan trọng là Nga không để quan hệ tốt đẹp với Israel ảnh hưởng tới việc họ ủng hộ Iran và Syria. Khi điện Kremlin tuyên bố kế hoạch bán S-300 cho Tehran hồi tháng 4 vừa qua, Netanyahu đã rất tức giận và lập tức gọi cho Putin để phản đối.

Nhưng gần như ngay lập tức, Nga đã trấn an được Israel, tương tự như lần này khi Nga điều quân đến Syria.

Việc đảm bảo được với Israel rằng an ninh của Nhà nước Do thái sẽ không bị ảnh hưởng, có thể nói cánh cửa đến với vị thế "ông lớn" hàng đầu tại Trung Đông của Nga đã rất rộng mở.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại