Nga rút quân ở Syria: Một sự trùng hợp nói hết nước cờ của Putin

Ngọc Minh |

Giới chức Mỹ từng băn khoăn, có thể Nga không hiện diện quân sự ở Syria lâu dài, bởi không thấy họ có kế hoạch luân chuyển trang thiết bị. Câu hỏi đó vừa được Putin giải đáp.

Nga giữ lại những gì ở Syria?

Ông Viktor Murakhovsky, thành viên Hội đồng Tư vấn thuộc Ủy ban Công nghiệp Quân sự Quốc gia Nga khẳng định, hơn một nửa trong số 60 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom được rút khỏi Syria.

Trong khi đó, toàn bộ trực thăng cũng sẽ ở lại, tiếp tục tiến hành các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và hoạt động vận tải chiến thuật ở Syria.

Để làm rõ hơn, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga Viktor Ozerov tiết lộ, cùng với các cố vấn quân sự, "sẽ có ít nhất 2 tiểu đoàn, khoảng 800 binh sĩ" sẽ ở lại bảo vệ 2 căn cứ của Nga.

Tướng về hưu Viktor Litovkin, chuyên gia quân sự của hãng tin Nga TASS cho hay: "Nga vẫn để lại toàn bộ hệ thống phòng không của mình ở Syria - hệ thống tên lửa chống tăng S-400 cũng như Buk-M3, Tor-M2 và hệ thống phòng không Pantsyr S-1.

Các tàu chiến Nga cũng sẽ tiếp tục hoạt động ở phía đông Địa Trung Hải và được luân chuyển như bình thường".

Trang tin chính trị SouthFront đưa tin, ít nhất 12 máy bay vẫn sẽ ở lại căn cứ Khmeimim, tiếp tục tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các lực lượng không "có tên" trong lệnh ngừng bắn tạm thời - chủ yếu là IS và al-Nusra.

Những chiếc máy bay đó mới chỉ tới Syria khoảng 1 - 2 tháng và ít tham gia các nhiệm vụ trước đây.

Trong khi đó, lượng hải quân của Nga vẫn được duy trì, không chỉ đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát và giám sát IS, mà còn giám sát các tàu chiến NATO tới Biển Đen.

Tính toán này về lực lượng đã khiến Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng, nước này có thể tái triển khai quân đội đến Syria chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Dựa vào tình hình thực địa, nhà cựu ngoại giao người Anh Alastair Crooke khẳng định, động thái rút quân khỏi Syria không thực sự là rút quân.


Binh sĩ Nga tại căn cứ Khmeimim trước khi rút về nước.

Binh sĩ Nga tại căn cứ Khmeimim trước khi rút về nước.

Ông Crooke phân tích, trên thực tế, việc rút quân có vẻ như trùng với thời điểm luân chuyển máy bay và các trang thiết bị theo đúng kế hoạch - đã đến lúc đưa những trang bị đã trải qua một thời gian thực hiện nhiệm vụ rất "căng" đi bảo trì.

Trang tin South Front cung cấp thêm thông tin, một tháng qua, kể từ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, cường độ không kích của Nga đã giảm đáng kể, gần như chiến đấu cơ của Nga tại căn cứ không quân Khmeimim đều không xuất kích.

Trong khi đó, tất cả các máy bay đều đến giai đoạn cần được bảo trì, kiểm tra, song trang thiết bị tại căn cứ Khmeimim chỉ có đủ để thực hiện được một phần công việc này.

Chính Bộ Quốc phòng Nga, trong tuyên bố của mình, cũng nêu rõ, các máy bay, sau khi vào lãnh thổ Nga, sẽ được đưa tới các căn cứ quân sự của nước này để thay dầu hoặc tiến hành bảo dưỡng nếu cần thiết.

Điều này cho thấy rõ, đã tới lúc, những chiến đấu cơ nhiều tháng qua hoạt động không mệt mỏi trên bầu trời Syria cần được nghỉ ngơi.

"Vì thế, có thể gọi việc rút quân của Putin là luân chuyển lực lượng nếu muốn - một sự thay đổi trong nhịp độ, được cố tình sử dụng để chuyển hướng sang chính trị, đi theo một con đường mới", ông Crooke khẳng định.

Putin dùng lại “chiêu cũ” ở Ukraine

Đây không phải là lần đầu tiên Putin sử dụng chiêu "rút lực lượng quân sự" trong những tình huống bế tắc về chính trị.

Nhà cựu ngoại giao chỉ ra, tại Ukraine, trước khi thỏa thuận Minsk được thông qua, Nga cũng đã từng tuyên bố tạm dừng hỗ trợ quân sự cho quân nổi dậy ở Donbass, có thể là ngăn chặn tham vọng quân sự không thể kiểm soát của lực lượng này.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh
Philip Hammond
Liệu có thực sự là hành động rút quân hay không, chúng tôi không biết. Chúng tôi đã chứng kiến trước đây ở Ukraine, Nga cũng nói về việc rút quân, nhưng hóa ra, nó đơn thuần chỉ là luân chuyển lực lượng.

Ông Crooke cho rằng, mục tiêu ban đầu của Putin không phải là khởi động các cuộc đàm phán mà là gây sức ép với Washington, buộc chính quyền Obama phải hợp tác một cách chân thành với Nga, thay vì cứ đứng nhìn và "ca bài ca" Nga sẽ rơi vào vũng lầy.

"Tiến trình chính trị ở Syria chắc chắn là mục tiêu thứ cấp".

Việc rút quân, hoặc luân chuyển lực lượng của Putin, tất nhiên, sẽ có tác động lên nhiều đối tượng.

Nó sẽ gây áp lực đối với cả Damascus lẫn các nhóm đối lập tham gia vào hòa đàm Geneva, bởi nếu không, thì máy bay Nga sẽ quay trở lại ngay lập tức.

Hơn hết, hành động này đặt Mỹ trước nhiệm vụ phải ngăn chặn các đồng minh của mình (Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út và Qatar) không trang bị vũ khí và hỗ trợ tài chính cho các lực lượng ủy nhiệm trong cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông.

Theo ông, điểm chung giữa cuộc xung đột ở Ukraine và Syria là giới lãnh đạo Nga đều rất để tâm tới việc tránh đối đầu với NATO hoặc phương Tây.

"Một trong những mục tiêu chính của Putin trong việc tiến hành cuộc chiến chống khủng bố chính xác là cố gắng vạch rõ những sự hợp tác sòng phẳng, ngang hàng với Mỹ và coi đó là "khúc dạo đầu" để sắp xếp lại mối quan hệ giữa 2 cường quốc.

Thêm vào đó, hành động của Nga cũng sẽ làm "mềm" quyết tâm áp đặt trừng phạt của châu Âu lên Nga và chuẩn bị cho Moscow có được một vị trí tốt hơn tại Mỹ khi người kế nhiệm Obama tiếp quản Nhà Trắng.

Nga tính thế nào với Assad và Syria?

Ở Ukraine, Nga muốn một nhà nước liên bang được liên kết với nhau một cách lỏng lẻo. Tuy nhiên, theo ông Crooke, điều này dường như là không hợp lý ở Syria.

"Những cộng đồng được gọi là thiểu số chưa bao giờ là nạn nhân ở Syria. Người Kurd chưa bao giờ coi mình thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Người Sunni cũng không bị tẩy chay - họ chiếm một phần lớn trong quân đội Syria hiện này và luôn rất nổi bật trong thế giới kinh doanh".


Các sĩ quan Nga đang bàn bạc chiến lược tại một căn cứ quân sự ở Syria

Các sĩ quan Nga đang bàn bạc chiến lược tại một căn cứ quân sự ở Syria

Cuộc chiến chống những kẻ thánh chiến cực đoan nhiều khả năng không thể chiến thắng thông qua các hiệp ước đạt được ở Geneva. Putin cũng không thể kỳ vọng phe đối lập Syria được Ả Rập hẫu thuẫn sẽ cùng kí kết một thỏa thuận nào đó với Assad ở Geneva.

Tuy nhiên, tình hình chiến sự đã giảm nhiệt rất nhiều từ sau lệnh ngừng bắn.

Từ thực tế này, theo ông Crooke, có lẽ, Nga sẽ nghiêng về hướng cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận giữa LHQ và chính phủ Syria, sau đó, các cuộc bầu cử địa phương, bầu cử trong từng vùng và bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức.

Hiến pháp được sửa đổi, và cuối cùng là cuộc bầu cử Tổng thống được tiến hành dưới sự giám sát của quốc tế.

Tuy nhiên, kết quả trên chỉ khả thi nếu Nga và Mỹ tin tưởng lẫn nhau.

Do đó, ông Crooke cho rằng, động thái bất ngờ tuyên bố rút quân, theo nhà cựu ngoại giao Mỹ, dường như là cách để Putin kiểm chứng xem, liệu có tồn tại sự tin tưởng nào đó giữa 2 bên trong con đường tìm tới giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột ở Syria hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại