Nga "mượn" chiến trường Syria để luyện quân?

Minh Thu |

Không chỉ hỗ trợ quân chính phủ của Tổng thống Assad, phương Tây cho rằng chiến trường Syria còn là nơi giúp quân đội Nga thực hành khả năng chiến đấu tích lũy kinh nghiệm trong thực tế và thử nghiệm nhiều hệ thống vũ khí, tên lửa cùng đạn dược mới.

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định tham chiến ở Syria nhằm hỗ trợ cho quân chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad làm dấy lên mối nghi ngờ rằng đây sẽ là cuộc chiến Afghanistan thứ hai đối với Moscow.

Mới đây, tờ New York Times đã có bài phân tích chi tiết làm cách nào mà nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin có thể nâng cao năng lực quân sự và Syria chính là nơi giúp Moscow cải thiện sức mạnh.

Chia sẻ trên tạp chí The National Interest, nhà nghiên cứu địa chiến lược về Nga, Đông Âu và Âu – Á, ông Blake Franko cho rằng quyết định can thiệp vào tình hình chiến sự ở Ukraine và Syria không phải là bước đi sai lầm của Nga mà là bước tiến giúp quốc gia này giành được những mục đích chiến lược lớn hơn trong tương lai.

Ngoài những lý do hiển nhiên như ủng hộ đồng minh Syria và can thiệp vào chính sách ở Trung Đông mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang thi hành, quân đội Nga đang tiếp tục tiến tới con đường chuyên nghiệp hóa.

Và bước tiến này được thể hiện qua các cuộc không kích cũng như khả năng sử dụng tên lửa hành trình của quân đội Nga.

Nói cách khác, Syria đã biến thành khu thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới của Nga giúp phi công, quân nhân chuyên nghiệp và lực lượng đặc nhiệm tích lũy thêm kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

Bất chấp lệnh trừng phạt kinh tế và sự quay lưng của phương Tây, Nga vẫn có thể lấp dần khoảng cách năng lực với các đội quân hiện đại nhất trên thế giới.

Tại Syria, Tổng thống Putin đang tạo ra hình ảnh về một đội quân sở hữu công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, sự can thiệp của Nga ở Syria vẫn nằm trong những toan tính đã được hoạch định sẵn.

Cụ thể, trong cuộc chiến ở Ukraine, các đơn vị quân đội Nga chỉ can thiệp trực tiếp khi lực lượng phe ly khai ở miền đông đối mặt với nguy cơ bị đẩy lùi.

Tương tự, Nga cũng chỉ quyết định tiến hành các cuộc không kích hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Assad sau khi quân đội Syria chịu thiệt hại nặng nề trước những đợt phản công của phe nổi dậy trong hơn 4 năm qua.

Mục tiêu của Nga không phải là giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria cho mình mà tập trung vào hỗ trợ và giúp chính quyền cũng như quân đội của Tổng thống Assad giành ưu thế bằng việc triển khai các cuộc không kích.

Theo ước tính, Nga đang triển khai một tiểu đoàn lục quân ở Syria nhưng lực lượng này không đảm nhận vai trò chiến đấu mà chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ số khí tài mà Moscow chuyển tới Syria.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán về việc đưa "lính tình nguyện" Nga tới chiến đấu tại Syria, cũng đang diễn ra. Họ là những người vốn có kinh nghiệm chiến đấu ở miền đông Ukraine.

Sự xuất hiện của "lính tình nguyện" không chỉ giúp tăng số lượng thành viên cho các đơn vị quân sự Syria đồng thời loại bỏ những rắc rối cho Nga bởi họ không nằm trong đội quân chính quy.

Ngoài ra, sư đoàn đặc nhiệm nổi tiếng Spetsnaz của quân đội Nga cũng sẽ được triển khai tới Syria.

Trong khi phần lớn các lực lượng Nga được gửi tới Syria chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ không quân hay những pháo đài của Tổng thống Assad trước đợt tấn công của quân nổi dậy, đội Spetsnaz sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ phản công.

Thậm chí, việc tích lũy thêm kinh nghiệm chiến đấu chống lại lực lượng khủng bố  Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS còn giúp Nga trấn áp làn sóng bạo lực bùng nổ ở Cộng hòa Caucasus.

Syria - Chiến trường hữu ích với Nga

Trong khi số khí tài mà Nga đưa tới Syria không đáng kể thì Syria lại tạo ra một chiến trường hữu dụng để các lực lượng vũ trang Nga thực hành cũng như tăng khả năng phối hợp với các lực lượng trên chiến tuyến.

Trên thực tế, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với sự tham gia của 90.000 binh lính. Đây là quy mô mà phương Tây khó có thể bắt kịp.

Song, tập trận vẫn chỉ là diễn tập khi không thể hiện được bao quát khả năng triển khai quân đội nhanh chóng cũng như mức độ hoạt động hiệu quả của binh lính trên chiến trường.

Còn khi tham chiến ở Syria, các phi công Nga đã tiến hành hàng loạt cuộc không kích cũng như thu thập kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn và hỗ trợ đắc lực của quân đội của Tổng thống Assad.

Quyết định can thiệp vào cuộc chiến ở Syria giúp quân đội Nga thu thập kinh nghiệm chiến đấu thực tế so với những cuộc tập trận chớp nhoáng.
Quyết định can thiệp vào cuộc chiến ở Syria giúp quân đội Nga thu thập kinh nghiệm chiến đấu thực tế so với những cuộc tập trận chớp nhoáng.

Đặc biệt, quân đội Nga có cơ hội thử nghiệm tính hiệu quả chiến đấu của các loại tên lửa thông qua những cuộc tấn công từ vùng biển Caspi.

Do đó, các cuộc thử nghiệm công nghệ mới và phối hợp hành động với nhiều lực lượng vũ trang cho phép Nga thực hành khả năng linh hoạt trong thế giới thực chứ không chỉ giới hạn trong các cuộc tập trận chớp nhoáng.

Ngoài các cuộc tấn công bằng tên lửa từ biển Caspi, chương trình hiện đại hóa quân sự của Nga còn nhắm tới việc phát triển kho đạn đạo có điều khiển chính xác.

Dù quy mô bị xét nhỏ bé hơn so với Mỹ nhưng các lực lượng quân sự Nga lại sử dụng số đạn dược này thường xuyên hơn Mỹ.

Quyết định can thiệp vào cuộc chiến ở Syria đã giúp Nga có thêm cơ hội thử nghiệm kho đạn đạo trong điều kiện chiến đấu thực tế thay vì bị mang tiếng khi sử dụng trong các cuộc xung đột khác như ở Ukraine.

Dù giới tình báo Không quân Mỹ cho rằng Nga đã thực hiện nhiều vụ ném bom vô thức gây ra thương vong lớn cho các mục tiêu không được xác định trước nhưng rõ ràng, quân đội Nga hiện có độ am hiểu về các hệ thống tên lửa và vũ khí không quân cao hơn so với phương Tây cũng như kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường.

Nhiều người cho rằng hành động can thiệp vào Syria là một cuộc phiêu lưu của Tổng thống Putin trong bối cảnh Nga đang đối mặt với quá nhiều vấn đề nội bộ.

Ngoài ra, Nga còn phải chịu thêm gánh nặng chi phí cho chiến dịch không kích ở Syria khi mà nền kinh tế quốc gia tụt dốc vì lệnh trừng phạt của phương Tây.

Sự can thiệp của Nga ở Syria còn làm dấy lên những bất đồng ngoại giao giữa Moscow với một số nước như vụ việc Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom  Su-24 Fencer của Nga hôm 24/11.

Tuy nhiên, Nga dường như chỉ đang quan tâm tới mức độ chuyên nghiệp hóa của các lực lượng quân sự khi tham chiến ở Syria.

Nhận định này được thể hiện qua kết luận của ông Franko rằng trước mắt, Nga đang thu hẹp dần khoảng cách công nghệ quân sự và khả năng chiến đấu với phương Tây thông qua quyết định can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Syria.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại