Nga dùng bảo bối cứu Hy lạp?

Công Đoàn |

Nga tuyên bố có thể dùng năng lượng để cứu Hy Lạp đang khốn đốn trước sức ép của châu Âu và cả Mỹ (qua IMF).

Con bài chiến lược

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 12/7 tuyên bố Nga đang xem xét cung cấp nhiên liệu trực tiếp cho Hy Lạp nhằm giúp nước này vực dậy nền kinh tế.

Theo ông Novak, Nga muốn giúp Hy Lạp khôi phục nền kinh tế bằng cách mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Hiện Nga đang tiến hành nghiên cứu tính khả thi về một tuyến đường ống vận chuyển năng lượng trực tiếp cho Hy Lạp và dự án này sẽ sớm được khởi công.

Nga dung bao boi cuu Hy lap?

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak

Động thái của Nga đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh Hy Lạp dù đã thể hiện nhượng bộ gần như hết mức có thể, vẫn tiêp tục bị các chủ nợ quốc tế dồn ép.

Các cuộc đàm phán trường kỳ tại Brussels dường như muốn đẩy Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras vào chân tường.

Tuyên bố của Nga rất có thể sẽ khiến châu Âu và cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF - mà Mỹ có vai trò chủ đạo) phải thêm một lần giật mình, phần nào đó giúp Hy Lạp chủ động trên bàn đàm phán.

Còn Nga, tuyên bố này sẽ giúp họ thúc đẩy dự án đường ống khí đốt có ý nghĩa hết sức quan trọng mang tên “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.

Kể từ khi đảng cánh tả Syriza lên nắm quyền ở Hy Lạp vào tháng 1/2015, Moskva và Athens liên tục thể hiện sự thân thiết ngày càng gia tăng.

Hôm 25/1/2015, ngay sau khi đắc cử, ông Tsipras đã tới thăm Sứ quán Nga ở Athens để "chào" các nhà ngoại giao Nga.

Ngay sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chúc mừng tới nhà lãnh đạo Hy Lạp.

Kể từ tháng 4/2015 đến nay, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã hai lần tới thăm Nga.

Trong những chuyến công du này, Thủ tướng Tsipras đã cùng giới chức Nga thúc đẩy một thỏa thuận "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" trị giá 2 tỷ euro (2,18 tỷ USD).

Nga dung bao boi cuu Hy lap?

Thủ tướng Hy lạp Tsipras và Tổng thống Nga Putin

Không những thế, Hy Lạp luôn lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Cần phải nhớ rằng dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” có ý nghĩa quan trọng đối với Nga. Năm ngoái, Nga đã dừng kế hoạch xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Nam” dẫn khí đốt từ Nga sang các nước Đông và Nam Âu cũng do vấn đề Ukraine.

Có ý kiến cho rằng với nền kinh tế đang khó khăn do bị phương Tây trừng phạt, Nga khó lòng có thể giúp Hy Lạp hiện đang nợ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF 240 tỉ euro.

Câu trả lời chính là “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Thổng thống Nga Putin đã ước tính rằng hiệp định về khí đốt kí với tập đoàn Gazprom của Nga có thể đem lại cho Hy Lạp vài trăm triệu USD mỗi tháng.

Nếu được triển khai, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ vận chuyển 47 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp, bắt đầu từ năm 2018 - khi dự án dự kiến được đưa vào hoạt động.

Giới chuyên gia cũng cho rằng việc xây dựng đường ống khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” có thể đem đến cho Hy Lạp 2 tỉ USD tiền vốn đầu tư và công ăn việc làm cho từ 10 đến 12 nghìn lao động trong vòng 3 đến 4 năm.

Muối bỏ bể

Nhưng quả thực, con số vài trăm triệu hay thậm chí vài tỷ USD có lẽ không “thấm” vào đâu với tình trạng của Hy Lạp hiện nay, một quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 30% và ngập trong nợ nần.

Ngay cả khi Nga giảm 10% giá khí đốt mỗi năm thì Hy Lạp cũng chỉ tiết kiệm được chừng 100 triệu USD mỗi năm.

Xét về lợi ích kinh tế như vậy, một nhà ngoại giao phương Tây đã mỉa mai rằng Hy Lạp không thể phiêu lưu theo hướng “phục vụ” Putin.

Hợp tác với Nga tức là Hy Lạp đi ngược lại sự đồng thuận của các liên minh mà họ đang tham gia. Điều đó sẽ đặt Athens trước nguy cơ bị loại khỏi EU và cả NATO.

Tấm gương của đảo Cyprus đã được nêu ra như một bài học cho Hy Lạp. Hòn đảo này vốn được đánh giá là “thiên đường rửa tiền” của các tỉ phú Nga, với hàng tỉ USD cất giữ ở đây.

Chính vì vậy, Cyprus được coi là một vệ tinh của Moskva. Nhưng khi Cyprus lâm vào tình trạng phá sản vì nợ 11 tỉ USD, Putin đã lặng thinh.

Chủ tịch Gazprom Alexey Miller (trái) và Tổng thống Putin

Chủ tịch Gazprom Alexey Miller (trái) và Tổng thống Putin

Sự yếu thế của Hy Lạp (và cả của Nga) đang được giới phân tích phương Tây đua nhau chỉ ra.

Thế nhưng họ sẽ không thể đoán định được hành động của những kẻ đang ở thế bí (không muốn nói là đường cùng), đặc biệt lại có liên hệ mật thiết về mặt lịch sử và tôn giáo với nhau như Nga và Hy Lạp.

Kịch bản Hy Lạp ngả về phía Đông hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi Chính phủ cánh tả của ông Tsipras đứng vững.

Nếu IMF không tiếp tục bơm tiền để cứu, Hy Lạp vẫn còn “cửa” hy vọng vào Ngân hàng Phát triển Mới, một định chế do các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Nga, Brazil, Trung Quốc và Nam Phi) lập ra.

Với vốn liếng ban đầu khoảng 100 tỷ USD, ngân hàng này được đánh giá giúp phá thế phụ thuộc vào IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).

Thực tế thì niềm hy vọng vào BRICS hay “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” khó có thể mang đến cho Hy Lạp một món tiền lớn ngay lập tức, điều mà họ rất cần lúc này.

Chính ông Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov cũng công khai chống lại việc Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone).

Nhưng biết đâu, đó chỉ là tuyên bố nhằm giữ đường lui, trong khi một kịch bản tấn công đã được vạch sẵn?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại