Nga đưa bằng chứng, công bố chi tiết nguyên nhân thảm họa MH17

Phan Hồng Hà |

Tại cuộc họp báo, tập đoàn tên lửa Almaz Antey đã thông báo chi tiết về các thử nghiệm mà mình tiến hành, nhằm tìm ra nguyên nhân chính thức của thảm họa MH17.

10h30 phút sáng nay (giờ Moskva), tập đoàn tên lửa Nga Almaz Antey đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế, công bố chi tiết kết quả điều tra riêng với các thử nghiệm thực tế, mô phỏng vụ máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi trên vùng trời Ukraine ngày 17/7/2014.

Cuộc họp báo, dưới sự chủ trì của ông Yan Novikov, Tổng giám đốc tập đoàn Almaz Antey, thu hút sự quan tâm của báo giới và dư luận, bởi lẽ cũng chính hôm nay, 13/10, Hà Lan công bố kết quả điều tra về nguyên nhân thảm họa này sau nhiều lần lỡ hẹn.

Theo đó, kết quả các thử nghiệm thực tế và mô phỏng của tập đoàn này đã “phủ nhận hoàn toàn” kết luận của Ủy ban Hà Lan về dạng tên lửa và địa điểm có thể bắn hạ máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Hai cuộc thử nghiệm này, theo ông Novikov, đã tiêu tốn khoảng 10 triệu rúp.

Ông Novikov cho biết, trong quá trình điều tra, Almaz Antey đã tiến hành 2 thử nghiệm thực địa, lần đầu tiên tiến hành vào ngày 31/7, lần sau vào ngày 7/10, ngay sau khi phía Hà Lan từ chối tiếp nhận kết quả cuộc thử nghiệm đầu tiên của phía Nga.

“Tháng 8/2015, họ chỉ nói “Rất cảm ơn” và không nhận kết quả thử nghiệm của chúng tôi”, ông Novikov cho biết.


Mảnh vỡ máy bay do tên lửa BUK bắn hạ được tập đoàn Almaz Antey đưa ra tại cuộc họp báo.

Mảnh vỡ máy bay do tên lửa BUK bắn hạ được tập đoàn Almaz Antey đưa ra tại cuộc họp báo.

Ông Yan Novikov tuyên bố tại cuộc họp báo:

“Rõ ràng là, nếu như Boeing bị bắn bởi tổ hợp tên lửa phòng không BUK, thì đó chính là tên lửa 9M38, tức là loại tên lửa đời cũ hơn, so với 9M38M1 (như kết luận của Ủy ban quốc tế).

Loại tên lửa cũ đó không thể để lại các lỗ thủng hình đặc trưng, giống như “cánh bướm” trên thân máy bay, như tên lửa 9M38M1. Các thử nghiệm toán mô phỏng đã cho kết quả hoàn toàn chính xác ”

Tổng giám đốc Novikov cũng tiết lộ, loại tên lửa 9M38, được Almaz Antey khẳng định là bắn hạ chiếc MH17, đã được Liên Xô ngừng sản xuất từ năm 1986.

Cũng theo ông, thời hạn sử dụng an toàn của loại tên lửa này được xác định là trong vòng 25 năm, và nó đã được quân đội Nga thải loại từ năm 2011.

Ông Novikov cho biết thêm, năm 2005, khi làm việc với quân đội Ukraine, ông biết nước này đang có 502 tên lửa đời cũ 9M38.


Các hình ảnh phân tích tại cuộc họp báo

Các hình ảnh phân tích tại cuộc họp báo

Tại cuộc họp báo, chuyên gia Mikhail Malyshevsky, cố vấn của Tổng giám đốc Novikov cũng phân tích kỹ lưỡng vị trí của máy bay với vị trí tên lửa BUK tại 2 địa điểm được giả định là đã phóng tên lửa, thời gian bay đến đích và quỹ đạo bay của tên lửa…

Ông Malyshevsky cho hay, nếu như tên lửa được phóng lên từ làng Snezhnoe, thì theo thử nghiệm thực tế, ở vị trí của chiếc MH17 khi đó, tên lửa sẽ phá hủy thân máy bay bên phải và vỡ cửa kính ca-bin bên phải, trái với những gì mà người ta thấy ở MH17 sau thảm họa.

Các phân tích cho phép Almaz Antey khẳng định tên lửa không thể phóng lên từ Snezhnoe (trong vòng kiểm soát của quân ly khai) như kết luận của Ủy ban điều tra Hà Lan, mà nằm trên địa phận Zaroshenskoe, thuộc quyền kiểm soát của quân đội Ukraine.

Ông Yan Novikov cho hay, tập đoàn Almaz Antey sẽ không tiến hành thêm bất cứ cuộc thử nghiệm nào nữa, vì mọi việc “đã quá rõ ràng”, nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ tiến hành, nếu có một yêu cầu đặc biệt.

Cũng theo ông, tất cả dữ liệu thử nghiệm của Almaz Antey, sẽ được sử dụng tại Tòa án quốc tế để bảo vệ quyền lợi cho tập đoàn của mình.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại