"Nếu máy bay Mỹ tiếp tục do thám, TQ có thể hành động nguy hiểm"

Hải Võ |

Giới quan sát nhận định căng thẳng Trung-Mỹ ở Biển Đông đã leo thang sau vụ va chạm hôm 20/5, thậm chí có chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể nổ súng tấn công máy bay Mỹ.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có chuyến thăm Trung Quốc trong 2 ngày 16-17/5. Trọng tâm cuộc hội đàm của quan chức ngoại giao 2 nước chính là vấn đề Biển Đông.

Đồng thời với hoạt động của ông Kerry, phía quân đội Mỹ đã cử tàu chiến thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại các đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam) mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

2 đồng minh quân sự của Mỹ tại châu Á là Nhật Bản và Philippines cũng lần đầu tổ chức tập trận chung, trong bối cảnh Mỹ và Nhật vừa nâng tầm quan hệ hợp tác phòng thủ quân sự sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Sau khi ông John Kerry rời Bắc Kinh hôm 17, căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp diễn khi truyền thông Trung-Mỹ liên tiếp có những phát biểu chỉ trích lẫn nhau.

Theo CNN, Hải quân Mỹ đang tăng cường hoạt động tuần tra trên Biển Đông bằng máy bay P-8A Poseidon. (Ảnh minh họa. Nguồn: Military-today)

Theo CNN, Hải quân Mỹ đang tăng cường hoạt động tuần tra trên Biển Đông bằng máy bay P-8A Poseidon. (Ảnh minh họa. Nguồn: Military-today)

Đỉnh điểm căng thẳng là sự kiện hôm 20/5 khi máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ bị Trung Quốc cảnh cáo 8 lần trong khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Đây cũng là lần đầu truyền thông Mỹ có mặt trên máy bay để tường thuật lại diễn biến vụ việc.

Nhiều sự kiện "lần đầu" trong những diễn biến mới đây trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến truyền thông quốc tế nhìn nhận sự việc ở nhiều khía cạnh mới.

Hôm 22/5, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu trước các thiếu sinh quân tốt nghiệp trường sĩ quan Hải quân Mỹ rằng trong 5 năm tới, nước này sẽ bố trí 60% lực lượng Hải quân của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Biden cũng nói trước 1070 học viên vừa tốt nghiệp ở Annapolis rằng nhiều người trong số họ "trong tương lai sẽ được cử tới châu Á-Thái bình Dương để hỗ trợ việc đối phó với 'thế lực thách thức mới'".

Phó Tổng thống Mỹ
Joe Biden
Các nguyên tắc công bằng để giải quyết mâu thuẫn trên ở Biển Đông và tự do hàng hải đang bị thách thức bởi các hoạt động của Trung Quốc (lấp biển, xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) ở Biển Đông. Nhiệm vụ của Hải quân Mỹ là bảo vệ những nguyên tắc đó.

Phó Tổng thống Mỹ cho hay, các vấn đề trên biển vẫn là một lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh xung đột và cho biết "sức mạnh của Hải quân Mỹ tiếp tục có ảnh hưởng rất lớn tới hòa bình, phồn vinh của châu Á-Thái Bình Dương".

Hôm 21/5, tức 1 ngày sau sự kiện Trung Quốc "xua đuổi" máy bay do thám Mỹ, các quan chức Lầu Năm Góc cũng như Quốc hội Mỹ đều tuyên bố Mỹ sẽ không từ bỏ các hoạt động tuần tra quân sự trên Biển Đông để bảo đảm tự do hàng hải.

Tờ Wall Street Journal (Mỹ) hôm 22/5 đưa tin, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed đều hy vọng Mỹ hủy lời mời Bắc Kinh tham dự cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2016. 

Các ông McCain và Reed nêu ra đề nghị trên với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter và muốn điều này được xem như sự trừng phạt và chứng minh sự cứng rắn của Washington trước "những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông".

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain (trái) và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed. Ảnh: Getty Images.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain (trái) và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed. Ảnh: Getty Images.

Trung Quốc: Hành động của máy bay do thám Mỹ ở Biển Đông "rất nguy hiểm"

Ngay sau sự kiện 20/5, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 22/5 đã tuyên bố Trung Quốc "vô cùng bất mãn" với việc Mỹ điều máy bay vào Biển Đông, đồng thời hình dung động thái của Mỹ là "vô cùng nguy hiểm, tạo thành đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh Trung Quốc".

Bộ ngoại giao Trung Quốc bao biện cho hành vi ngang ngược trên Biển Đông rằng "quân đội Trung Quốc đã đuổi máy bay Mỹ theo đúng quy định".

Hồng Lỗi cũng ngang ngược tuyên bố - "Trung Quốc sẽ tiếp tục giám sát tình hình ở vùng trời và vùng biển liên quan (tức Biển Đông-PV) nhằm ngăn chặn phát sinh 'sự cố ngoài ý muốn'."

BBC bình luận, việc căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ở Biển Đông có khả năng dẫn tới các "sự cố ngoài ý muốn" nữa hay không đang trở thành mối quan tâm lớn với dư luận quốc tế.

CHUYÊN GIA TỔ CHỨC KHỦNG HOẢNG QUỐC TẾ
TẠ DIỄM MAI
Xét từ những động thái gần đây của Trung-Mỹ, không thể loại trừ khả năng tái diễn 'va chạm' như vụ việc hôm 20/5. Tuy nhiên, khả năng 'va chạm' do ngẫu nhiên nhiều hơn là do một bên cố ý gây hấn.

Theo BBC, trên thực tế, gần đây Washington đã có những thay đổi rất cơ bản trong chính sách đối với Trung Quốc.

Các động thái của Lầu Năm Góc khiến nhiều người đã bắt đầu nghi ngờ chính sách "tiếp xúc tích cực" mà thay vào đó là hành động của Mỹ nhằm "tỏ rõ lập trường trước Trung Quốc".

Tuy nhiên, dường như đến nay Bắc kinh vẫn chưa hoàn toàn nhận thức được sự thay đổi này - BBC bình luận.

Trên thực tế, Mỹ không hề nao núng trước những đe dọa nặng nề từ Bắc Kinh và không ngừng gia tăng mức độ các hành động để kiềm chế các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bên cạnh những tuyên bố cứng rắn của phó Tổng thống Joe Biden hôm 22, quốc hội Mỹ đã tái khẳng định "không loại trừ khả năng máy bay do thám hoặc tàu chiến Mỹ tiến vào tuần tra hải vực 12 hải lý quanh các đảo, đá mà Trung Quốc xâm chiếm trái phép của Việt Nam trên Biển Đông.

Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản bình luận, mặc dù Trung Quốc và Mỹ đều hy vọng tránh được tình trạng căng thẳng ở Biển Đông, nhưng với diễn biến như hiện tại thì điều này "dường như đã là tiến thoái lưỡng nan".

Trang Đa Chiều (Duowei News) nhắc lại vụ xung đột giữa máy bay chiến đấu Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông hồi tháng 4/2001.

Sự việc khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng, còn phi công trên máy bay Mỹ phải cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Trung Quốc ngay lập tức bắt 24 thành viên trong phi đội Mỹ, tịch thu máy bay và những thiết bị tình báo.

Đa Chiều cho hay Bắc Kinh sau đó đã trả lại thân máy bay cho Mỹ và nhận xét, cách thức xử lý vụ việc này "có phần ôn hòa".

Qua đó, Đa Chiều đánh giá quan hệ Trung-Mỹ trên Biển Đông ngày nãy đã không còn giống như năm 2001 khi sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã tăng lên, đồng thời những người theo chủ nghĩa dân tộc bên trong quốc gia này cũng ngày càng trở nên hung hăng.

Trong bối cảnh như vậy, một khi Trung-Mỹ tái diễn sự kiện như hôm 20/5, "tình hình đối đầu có thể leo thang đột ngột".

Lần sau Trung Quốc có thể nổ súng

Tờ Kommersant của Nga bình luận hôm 22/5 rằng, nếu quân đội Trung-Mỹ lại có va chạm, quân đội Trung Quốc có khả năng nổ súng vào máy bay Mỹ.

Chuyên gia phân tích tại Trung tâm phân tích Công nghệ và Chiến lược (CAST) có trụ sở ở Moscow Vasily Kashin phân tích:

Chuyên gia phân tích của CAST
Vasily Kashin
Nếu tình huống như vụ máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ tái diễn, Trung Quốc rất có thể sẽ nổ súng và có những hành động rất nguy hiểm để đánh đuổi quân đội Mỹ, dẫn đến vụ "va chạm" kết thúc bằng xung đột.

Theo ông Kashin, việc Mỹ điều máy bay do thám vào tuần tra trên Biển Đông "là hành động không khôn ngoan". Bởi theo ông này, người Mỹ vẫn cho rằng "Trung Quốc sẽ không dám làm gì".

Nhưng ông Kashin nhận định, nếu Mỹ tiếp tục các hoạt động của mình tại Biển Đông thì "Bắc Kinh sẽ có hành động trả đũa".

Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) hôm 23 cũng bình luận, dường như chiến lược Biển Đông đang là "chủ trương lợi ích đơn phương" nguy hiểm của Washington.

Theo đó, Mỹ chưa xét đến khả năng mâu thuẫn Trung-Mỹ sẽ gây ra bất ổn tại khu vực và "việc chọc giận Bắc Kinh bằng những sự thách thức không cần thiết có thể khiến tình hình diễn biến tồi tệ hơn".

Trong khi đó, Bộ trưởng quốc phòng Australia Kevin Andrews hôm 22 đã tỏ ra quan ngại đối với việc Trung Quốc mở rộng và tăng cường sức mạnh quân sự trên Biển Đông.

Theo ông Andrews - "Trong vài năm tới, môi trường an ninh khu vực sẽ 'mang nhiều thách thức hơn", và bổ sung thêm quan hệ Trung Mỹ sẽ là nhân tố quan trọng được xét tới trong kế hoạch quốc phòng chiến lược của Australia được công bố vào khoảng tháng 7, tháng 8 tới.

Bộ trưởng Kevin Andrews cũng khẳng định - "Australia phản đối bất cứ 'hành động đơn phương hoặc đe dọa' nào của các bên tại Biển Đông cũng như biển Hoa Đông."

Theo Đa Chiều, các chuyên gia an ninh đã nhận định tình thế Biển Đông hiện tại là "xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào".

Các hành vi xây dựng và chiếm đoạt đảo, đá trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến dư luận quốc tế phải lo ngại về khả năng thực sự xảy ra xung đột quân sự Trung-Mỹ tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại