NATO: Ngoài thì cứng, còn trong chỉ là "con rối" của Nga?

Đức Huy |

Theo phân tích của chuyên gia Judy Dempsey thuộc Viện nghiên cứu Carnegie châu Âu, hiện các quyết sách của NATO đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ điện Kremlin.

Hôm 2/12 vừa qua, Ngoại trưởng các nước thành viên NATO đã chính thức gửi lời mời tới đại diện Montenegro, với nguyện vọng biến quốc gia tây Balkan này trở thành cái tên thứ 29 trong khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, động thái này là minh chứng cho chính sách mở cửa của NATO.

"Mỗi quốc gia đều có quyền tự quyết định đường lối của mình, trong đó bao gồm những thỏa thuận về an ninh mà nước đó muốn tham gia" - ông Stoltenberg phát biểu. Tổng Thư ký NATO cũng khẳng định, việc liên minh kết nạp Montenegro không hề mang ý đồ gì đối với Nga.

Nhưng tất nhiên Nga không nghĩ vậy. Gần đây, nước này ngày một chỉ trích nhiều hơn các chính sách mà họ cho là bành trướng của NATO, đặc biệt là các hoạt động quân sự tại Ba Lan và vùng Baltic.

Ngoài ra, Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo Montenegro không nên gia nhập NATO, đồng thời đầu tư khá nhiều vào quốc gia Balkan này. Điện Kremlin đã tỏ rõ thái độ không hài lòng của mình sau diễn biến mới đây.

Phát ngôn viên điện Kremlin
Dmitry Peskov
Chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng việc bành trướng, mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự về phía Đông của NATO. Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới các hành động đáp trả từ phía Đông, cụ thể là Nga, nhằm đảm bảo an ninh cũng như bình đẳng về lợi ích.

Theo chuyên gia Dempsey, tuy việc kết nạp Montenegro sẽ gửi một tín hiệu tới các nước khác trong khu vực rằng NATO hoàn toàn muốn mở rộng, nhưng mặt khác, kết nạp một quốc gia với nạn tham nhũng hoành hành như Montenegro cũng sẽ tạo một tiền lệ xấu.

Nhưng dù gì thì gì, an ninh Montenegro giờ đây đã được NATO đảm bảo, và liên minh này cũng đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại châu Âu theo đúng những gì họ muốn.

Còn câu hỏi được các nước khác trong khu vực đặt ra bây giờ là: vậy chúng tôi thì sao?

Giấc mơ của Gruzia

Trong số các nước mong mỏi trở thành một phần của NATO nhất phải kể đên Gruzia. Quốc gia này đã bày tỏ nguyện vọng được nhiều năm. Và khác với Montenegro, nơi có tới 1/3 người dân phản đối gia nhập NATO, ở Gruzia tuyệt đại đa số đều ủng hộ việc tham gia liên minh.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 tại Bucharest (Romania), lãnh đạo các nước đều đồng thuận cho Gruzia trở thành một phần của NATO.

Tuy nhiên, trước áp lực của 2 ông lớn Đức và Pháp, Tbilisi đã không nhận được Kế hoạch Hành động Thành viên NATO (MAP), thủ tục được coi là "đèn xanh" để một quốc gia có thể gia nhập liên minh.

Khổ là ở chỗ Gruzia đã cố gắng hết sức để hiện đại hóa quân đội, áp dụng chế độ kiểm soát dân sự minh bạch đối với quân đội, đẩy mạnh chống tham nhũng, và thậm chí đã tham gia tác chiến trong nhiều nhiệm vụ của NATO.

Gruzia đang cố gắng hết sức để hiện đại hóa quân đội nước nhà. Ảnh: Reuters
Gruzia đang cố gắng hết sức để hiện đại hóa quân đội nước nhà. Ảnh: Reuters

Theo chuyên gia Dempsey, đương nhiên NATO hiểu rõ những động thái tích cực từ Gruzia. Đại diện các quốc gia của liên minh thậm chí còn "vỗ vai" Gruzia với tuyên bố: "Quan hệ của Gruzia với liên minh hiện có đầy đủ mọi yếu tố để sẵn sàng cho việc gia nhập".

Tuy nhiên, trừ phi nội bộ NATO có một sự thay đổi rõ rệt, thì không thể có chuyện nước này nhận được MAP từ NATO trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Warsaw (Ba Lan) vào tháng 5/2016, hay kể cả sau đó.

Lý do? Nga.

"Sự thật là một số ông lớn trong NATO phản đối cấp MAP cho Gruzia vì những nước này không mặn mà gì với việc bảo vệ Gruzia" - Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Atlantic tại Gruzia, ông Vasil Sikharulidze, phát biểu.

Theo ông, bảo vệ Gruzia đồng nghĩa với nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga trong trường hợp Moscow đe dọa Gruzia như những gì phương Tây cáo buộc đã xảy ra vào năm 2008. Và thực tế mà nói, liệu có nước NATO nào "dám" chạm trán với Nga?

Ông Sikharulidze nhấn mạnh, việc NATO thiếu đi một chính sách rõ ràng đối với Gruzia đã như thể "vẽ đường cho Nga chạy". Chuyên gia này khẳng định sự hiện diện của NATO sẽ tăng cường đáng kể cho an ninh khu vực này, tuy nhiên những Pháp, Đức lại không nghĩ vậy.

Tổng thống Pháp Francois Hollande luôn phản đối kịch liệt việc kết nạp Gruzia và Ukraine vào NATO. Ảnh: AP
Tổng thống Pháp Francois Hollande luôn phản đối kịch liệt việc kết nạp Gruzia và Ukraine vào NATO. Ảnh: AP

Chuyên gia Dempsey cũng chia sẻ quan điểm này. Ông cho biết hiện Moscow đang gây ảnh hưởng rất lớn đối với truyền thông, chính trị, và kinh tế Gruzia, vì họ thấy rằng nguyện vọng gia nhập NATO của Tbilisi liên tục bị các nước thành viên liên minh khước từ.

Hơn nữa, lần tới khi NATO nói rằng mỗi quốc gia châu Âu đều có quyền được chọn đường lối của mình trong an ninh và ngoại giao, và rằng NATO luôn áp dụng chính sách mở cửa, thì theo bà Dempsey, liên minh này nên "mở ngoặc" là điều đó không thể áp dụng với Gruzia.

Nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự. Do đó, có thể thấy dù luôn khẳng định chính sách mở cửa của mình, nhưng rõ ràng những gì NATO đang làm lại cho thấy cái sự "mở cửa" này chỉ là "mở cửa có chọn lọc".

Và quyền "chọn lọc" ấy, không ai khác, lại chính thuộc về Nga. Họ tuy không muốn Montenegro gia nhập NATO, nhưng với vị trí chiến lược không quá quan trọng cộng với lực lượng quân đội thuộc hàng "tôm tép" của quốc gia này, Moscow có thể cho qua.

Tóm lại, theo bà Dempsey, dù NATO có muốn phủ nhận thế nào đi nữa, thì với thái độ nước đôi mà họ đã và đang thể hiện, có thể nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có trong tay quyền phủ quyết ngầm đối với bất kì quốc gia nào họ không muốn "bén mảng" tới NATO.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại