NATO thêm Montenegro... cũng như không, chỉ Mỹ vác mệt vào thân

Đức Huy |

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Forbes, chuyên gia chính trị quốc tế Doug Bandow cho rằng việc NATO mời Montenegro gia nhập liên minh sẽ chẳng có tác dụng gì.

Montenegro tuyên bố độc lập sau khi tách khỏi Serbia năm 2006. Là một nước nhỏ với chỉ khoảng 650.000 dân và GDP hơn 4,6 tỉ USD, Montenegro sở hữu một lực lượng quân đội vô cùng khiêm tốn, với 1.500 lính bộ binh, 350 hải quân, và 230 không quân.

Vậy nhưng sau cuộc họp của 28 Ngoại trưởng các nước thành viên hôm 2/12 tại Brussels, NATO đã đi đến quyết định kết nạp một quốc gia với chỉ 2.080 binh sĩ này vào khối liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới.

Để làm gì?

Chuyên gia Bandow sau đó đã phải kêu than rằng, từ chỗ là liên minh được trông đợi để bảo vệ các nước châu Âu khỏi các mối đe dọa địa chính trị, thì nay NATO dường như đã trở thành một "Câu lạc bộ Quý ông", nơi mọi người gia nhập chỉ để ... theo mốt.

"Không ai đe dọa Montenegro. Và cũng chẳng ai ở châu Âu sẽ để tâm nếu ai đó đe dọa Montenegro. Nhưng Montenegro vẫn muốn gia nhập NATO và họ đáp ứng được nhu cầu. Thế là được mời kết nạp" - ông Bandow mỉa mai.


Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg (phải) tuyên bố quyết định mời Montenegro gia nhập NATO. Ảnh: AFP

Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg (phải) tuyên bố quyết định mời Montenegro gia nhập NATO. Ảnh: AFP

Chuyên gia này cũng nhận định, khi xét đến những quyền lợi có được sau khi gia nhập NATO, thật khó có thể trách mong muốn của chính phủ và người dân Montenegro.

Đại diện của họ sẽ được một ghế tại hội đồng quân sự Brussels, ngang hàng với đại diện của các ông lớn như Đức, Pháp, Mỹ. Ngoài ra, Washington nhiều khả năng sẽ hỗ trợ kinh phí để Podgorica cải thiện lực lượng quân đội của mình.

Việc gia nhập NATO cũng giúp Montenegro có thể "lên mặt" với hàng xóm Serbia, khi nước này vẫn chưa được liên minh để ý đến.

Mỹ lại "vác tù và hàng tổng"

Montenegro thì lợi là vậy, nhưng phần còn lại của NATO, nhất là Mỹ, được gì trong quyết định mở rộng này? Ông Bandow mỉa mai rằng dù có vị thế của một cường quốc, Washington luôn tìm kiếm đồng minh để mở rộng ảnh hưởng như thể kết bạn trên Facebook vậy.

Kết quả là các Tổng thống và nghị sĩ Mỹ cứ thế đặt lợi ích và tính mạng của người dân nước này để đánh đổi lấy sự quy phục của các nước "đồng minh", dù cho những "đồng minh" này, ví như chính Montenegro, chẳng hề có ích gì cho an ninh quốc gia Mỹ.

Theo ông Bandow, chí ít thì Montenegro còn vô hại. Nhưng việc NATO kết nạp các nước Baltic lại là một sai lầm lớn. Họ kéo về phía mình những quốc gia luôn hục hặc với Nga, không có ích gì cho Mỹ, và châu Âu cũng chả mặn mà gì trong việc hỗ trợ bảo vệ.

"Khi đó, nếu có diễn biến xấu, Mỹ sẽ lại được trông cậy để giáp mặt Nga, trong khi các 'đồng minh' châu Âu của họ thì nhiều khả năng lại trốn chui trốn lủi ở Brussels, trong một cuộc đối đầu mà lợi ích trực tiếp của Nga thì rõ ràng, nhưng Mỹ thì chẳng được lợi lộc gì" - ông viết.

Một ví dụ khác là Thổ Nhĩ Kỳ. Với việc bắn hạ Su-24 của Nga, chính phủ Tổng thống Recep Tayip Erdogan đã kéo NATO vào một cuộc đối đầu với Moscow, trong bối cảnh các nước phương Tây đang muốn hợp tác với Nga trong chiến dịch chống khủng bố.

Theo ông Bandow, nếu kết nạp thêm Gruzia và Ukraine thì tình hình sẽ còn tệ hại hơn nữa. 2 nước này bị đặt vào thế khó khi lãnh thổ của họ nằm trong khu vực được Moscow đặc biệt chú trọng về mặt an ninh quốc gia. Nhưng cả 2 đều không có nghĩa lý gì với Washington.

Do đó, chuyên gia Bandow cảm thấy khó hiểu khi Mỹ cứ nhất quyết phải đối xử với Gruzia và Ukraine như thể họ là đồng minh.

Nhiều nghị sĩ vẫn ủng hộ tuần tra trên không, hỗ trợ vũ khí sát thương, hay thậm chí đem quân tới Ukraine. Trong chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008, chính phủ cựu Tổng thống Bush cũng đã từng cân nhắc đánh bom những đường hầm nơi quân Nga di chuyển.

"Sau khi trải qua bao nhiêu năm Chiến tranh Lạnh mà không có giao tranh với Moscow, tại sao Washington nay lại muốn ép Nga phải đáp trả quân sự? NATO được tạo ra để ngăn cản chiến tranh, nhưng những chính sách hiện nay của họ lại cho thấy điều ngược lại" - ông Bandow nhận xét.

Hãy để châu Âu "tự túc"

Theo ông Bandow, nếu Mỹ không can thiệp thì châu Âu cũng không phải không có khả năng tự vệ. Robert Scales, cựu chỉ huy trưởng tại Học viện Chiến tranh Mỹ, từng than phiền rằng với quân số 30.000, "lính Mỹ bảo vệ Tây Âu còn ít hơn cảnh sát ở New York".

Lính Mỹ đóng tại châu Âu. Ảnh: Reuters
Lính Mỹ đóng tại châu Âu. Ảnh: Reuters

Nhưng chuyên gia Bandow mỉa mai rằng, đúng ra câu hỏi được đặt ra phải là tại sao lại phải có tới 30.000 lính Mỹ bảo vệ Tây Âu?

70 năm đã trôi qua kể từ Thế chiến II. EU hiện đã có GDP và dân số lớn hơn Mỹ, và lớn hơn rất nhiều so với Nga.

"Chẳng phải đã đến lúc những anh bạn đồng minh giàu có của Mỹ phải tự bảo vệ mình rồi hay sao? Hay Mỹ lại phải tiếp tục đặt mạng sống của binh sĩ mình để đánh đổi lấy an ninh cho một châu lục chẳng bao giờ chịu tự túc về mặt quân sự?" - ông Bandow viết.

Trở lại với việc kết nạp Montenegro, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: "Đây là sự khởi đầu của một liên minh tuyệt đẹp".

Có lẽ đối với Montenegro thì đúng là như vậy, nhưng với Mỹ thì không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại