Càng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, càng dễ thấy Putin đang bất lực

Đức Huy |

Đó là nội dung bài viết góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu Nga, ông Leonid Bershidsky, đăng trên trang Bloomberg hôm 1/12 vừa qua.

Nhìn vào những diễn biến nhiều ngày qua, có thể thấy rõ Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tức giận người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đến mức nào. Ông Putin từ chối không nói chuyện điện thoại, cạch mặt không gặp tại Paris, dù Ankara đã nhiều lần nài nỉ.

Qua thái độ hai bên, nhiều người sẽ nghĩ ông Erdogan đang bị động. Tuy nhiên, theo chuyên gia Bershidsky, sự thật là ông Putin và nước Nga hiện nay mới là bên yếu thế, khi điện Kremlin không tài nào tìm ra cách trừng phạt thực sự "hiểm" nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi Su-24 bị bắn hạ trên không phận biên giới với Syria, ông Putin đã đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi và có bồi thường xứng đáng. Mặt khác, ông Erdogan lại muốn Nga phải làm điều tương tự vì đã xâm phạm trái phép không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc khẩu chiến "anh A nói thế này, chị B nói thế kia" đã dai dẳng được một tuần, và chưa hề có dấu hiệu chấm dứt, đặc biệt là sau khi Nga-Thổ bên này lại cáo buộc bên kia hậu thuẫn Nhà nước Hồi giáo (IS) kiếm lời từ dầu mỏ.

Dầu mỏ - nguồn tài chính chủ lực của các phần tử Hồi giáo cực đoan IS.
Dầu mỏ - nguồn tài chính chủ lực của các phần tử Hồi giáo cực đoan IS.

Nhưng theo ông Bershidsky, áp lực đang đè nặng hơn trông thấy trên đôi vai ông chủ điện Kremlin.

Đơn giản bởi ông có "trách nhiệm" phải đáp trả xứng đáng để yên lòng người dân Nga, những người đã nghe và đọc không ít những bản tin "dìm Thổ" trên khắp những RT, Sputnik, Rossiya I trong nhiều ngày qua, những người đã ném trứng trước cửa đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ...

Thế nhưng hiện nay, ông Bershidsky nhận định, các biện pháp trừng phạt của Nga vẫn chưa thật sự thuyết phục, và một số thậm chí còn phản tác dụng, khiến những tuyên bố cứng rắn và phản ứng đầy cảm xúc của ông Putin trở nên tương đối vô vị.

Càng trừng phạt, càng thấy bất lực

Ngay sau vụ Su-24 bị bắn hạ, Nga cam kết với người dân trong nước cũng như tuyên bố với toàn thế giới rằng mọi hoạt động của máy bay ném bom Nga tại Syria sẽ được tiêm kích hộ tống, đồng thời điều động hệ thống phòng không S-400 khét tiếng tới căn cứ Hmeynim.

Sau đó, RT đưa tin rằng kể từ khi S-400 "xuất sơn", các đợt không kích của phe liên quân do Mỹ dẫn đầu đột ngột giảm hẳn.

Phía liên quân đã phủ nhận thông tin này. Nhưng hãy nghĩ xem, kể cả nếu đúng như vậy, thì Nga làm vậy để làm gì? Điều đó chỉ có lợi cho Nhà nước Hồi giáo (IS), giúp tổ chức này ít nhiều tránh được vài đợt không kích, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì đâu có bị ảnh hưởng gì.

Đơn giản bởi vì Ankara đâu có tiến hành không kích. Ngoài ra, theo ông Bershidsky, viễn cảnh máy bay Nga lại "lạc" sang không phận Thổ Nhĩ Kỳ để rồi lại bị bắn hạ là gần như không thể xảy ra, vì không bên nào muốn chiến tranh bùng nổ cả.

Do đó, Nga có mang S-400 tới Syria thì cũng chỉ để "làm cảnh", vì đối thủ chính của họ tại đây là IS, mà IS thì đâu có không quân.

Niềm tự hào S-400 của Nga. Ảnh: dervishv.livejournal.com
Niềm tự hào S-400 của Nga. Ảnh: dervishv.livejournal.com

Trong khi đó, tại quê nhà, truyền thông Nga dường như đang phát động một chiến dịch chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ để khơi dậy tinh thần yêu nước.

Phong trào này thậm chí còn lan sang cả các quan chức cấp cao, điển hình là phó Chủ tịch Duma Nga Vladimir Zhirinovsky còn nói thẳng trên sóng truyền hình Rossiya I rằng ông muốn đòi mạng 100 phi công Thổ Nhĩ Kỳ để báo thù cho phi công Nga thiệt mạng (!?).

Ngoài ra, rất nhiều cư dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị từ chối nhập cảnh vào Nga kể từ sau vụ việc, dù cơ chế miễn thị thực giữa hai nước vẫn được duy trì. Một số mặt hàng xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị gắn cho cái mác "không thể tiêu thụ" tại Nga vì lý do vệ sinh.

Tại Moscow, hàng trăm người dân Nga ném trứng và gạch đá vào cửa sổ đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Ulyanovsk, dân địa phương rủ nhau hạ cờ Thổ Nhĩ Kỳ cắm tại một nhà máy bia thuộc sở hữu của công ty chủ quản Anadolu Efes, có trụ sở tại Istanbul.

Ngoài ra, hôm 28/11 vừa qua, ông Putin đã ban lệnh tái áp dụng thị thực đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ, có hiệu lực từ tháng 1/2016, đồng thời tăng cường kiểm soát tàu xe Thổ lưu hành tại Nga. Ông cũng cấm các công ty Nga tuyển mộ người Thổ.

Về mặt kinh tế, các quan chức chính phủ Nga hôm 30/11 vừa qua đã thảo luận những biện pháp trừng phạt Ankara, và đi đến quyết định cấm trao đổi du lịch, các chuyến bay nguyên chuyến từ và tới Thổ Nhĩ Kỳ, và cấm nhập khẩu rau củ quả Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Bershidsky, những lệnh cấm này đều ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai bên, nhưng thiệt nhất có lẽ là người dân Nga.

Xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ tới Nga đạt mức 1,2 tỉ USD năm ngoái, chỉ chiếm khoảng 7% tổng xuất khẩu lương thực. Do đó, nông dân Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ không gặp nhiều vấn đề trong việc lấp đầy khoảng trống tương đối nhỏ này.

Còn với Nga, thiệt hại nghiêm trọng hơn: khoảng 20% lượng rau xanh Nga nhập khẩu có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, và tới 90% lượng trái cây họ cam quýt bày bán tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn của Nga là hàng Thổ.

Hình ảnh này sẽ sớm không còn xuất hiện trên các gian hàng trái cây ở Nga. Ảnh: Moscow Times
Hình ảnh này sẽ sớm không còn xuất hiện trên các gian hàng trái cây ở Nga. Ảnh: Moscow Times

Về mặt du lịch, Thổ Nhĩ Kỳ là đích đến yêu thích nhất của du khách Nga trong năm 2014, với 3,3 triệu lượt người, chiếm 19% tổng lượt du lịch của người Nga ra nước ngoài. Mất khách Nga đương nhiên sẽ khiến Ankara phải chịu thiệt hại, nhưng không đến mức quá nặng nề.

Vì theo thông tin của bộ Văn hóa Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 7 vừa qua, tháng đỉnh điểm của mùa du lịch, nước này đón 686.256 lượt khách Nga, và hơn 3,1 triệu lượt khách châu Âu.

Việc đồng ruble mất giá đã khiến các điểm đến ưa thích ở châu Âu trở nên quá sức với túi tiền nhiều người dân Nga. Địa điểm ưa thích thứ hai của họ, Ai Cập, giờ đây cũng bị cấm sau vụ tấn công khủng bố trên bán đảo Sinai tháng trước.

Rốt cục, theo ông Bershidsky, người dân Nga vẫn phải chịu khổ nhiều nhất.

Có thể làm khác?

Ông Bershidsky nhận định, Tổng thống Putin đã có thể đánh một đòn đau nhắm vào ông Erdogan bằng cách cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, nơi 60% tổng lượng khí đốt được nhập khẩu từ Nga.

Tuy nhiên, làm như vậy đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp năng lượng Nga, điển hình là gã khồng lồ Gazprom, sẽ mất đi một "khách sộp", đồng thời đi kèm nguy cơ mất đi cả thị trường Nam Âu về tay các nhà cung cấp như Azerbaijan hay Iran.

Chuyên gia Bershidsky kết luận, những liệu pháp khơi dậy tinh thần yêu nước ở Nga đã phát huy tác dụng trong quá khứ, và hiện nay đang khiến người dân bỏ qua những khó khăn trước mắt để chung lòng "phạt Thổ", nhưng liệu điều đó có còn kéo dài được lâu?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại