Ông Htin Kyaw là con của nhà thơ, học giả nổi tiếng Min Thu Wun và con rể của U Lwin, đồng sáng lập Đảng NLD.
Ông cũng là đồng minh thân cận của bà Aung San Suu Kyi - lãnh đạo NLD, đảng giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử lịch sử vào tháng 11 năm ngoái.
"Một số người gần như òa khóc sau khi biết kết quả. Họ nói đây là chiến thắng của người dân Myanmar. Thậm chí nhiều công chức thuộc quyền chính phủ quân đội cũng ủng hộ ông Htin Kyaw làm tổng thống."
Nữ nhà báo Nan Lwin
Trưa 15-3, rất nhiều người dân dán mắt vào màn hình tivi ở các quán cà phê, quán ăn, công sở hồi hộp theo dõi buổi kiểm phiếu đã vỡ òa trong hạnh phúc khi ông Htin Kyaw của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) được Quốc hội bầu làm tổng thống mới.
Với 360 phiếu ủng hộ trong tổng số 652 phiếu, ông Htin Kyaw (69 tuổi) trở thành tổng thống của chính phủ dân sự đầu tiên ở Myanmar sau hơn nửa thế kỷ nước này nằm dưới sự quản lý của chính quyền quân đội.
Người dân phấn khích
Từ Yangon, nữ nhà báo Nan Lwin, biên tập viên ban chính trị của tờ The Modern News Journal, kể với Tuổi Trẻ rằng nhiều người dân đã vỡ òa cảm xúc khi tên của tổng thống mới được công bố.
“Dù bà Suu Kyi nói với người dân đừng thể hiện cảm xúc, nhưng hầu như tất cả người dân trên đường phố, quán cà phê đều phấn khích nói về ngài tổng thống mới vì sau hơn 54 năm, chúng tôi mới có một vị tổng thống dân sự đầu tiên”.
Ông Htin Kyaw đã đánh bại hai ứng cử viên gồm tướng về hưu Myint Swe (213 phiếu, người do quân đội đề cử) và ông Henry Van Thio (79 phiếu, cũng của Đảng NLD).
Ngay sau khi ông Htin Kyaw giành chiến thắng, rất nhiều người dân Myanmar chia sẻ những dòng cảm xúc cùng các biểu ngữ trên mạng xã hội như “Welcome Mr. President” (Chào mừng ngài tổng thống) và “We love our President Htin Kyaw” (Chúng tôi yêu Tổng thống Htin Kyaw).
Nhà báo Nan Lwin cho biết với tư cách là một công dân Myanmar, cô mong tổng thống mới mang lại hòa bình cho các khu vực còn xảy ra xung đột sắc tộc, hàn gắn quốc gia và cải thiện tiêu chuẩn sống của người dân.
Trong khi đó bác sĩ Myo Min, đang sinh sống ở cố đô Yangon, bày tỏ niềm vui sướng tột độ khi ông Htin Kyaw trở thành vị tổng thống do dân bầu đầu tiên, điều mà ông cho rằng “người dân đã mong chờ từ rất lâu rồi”.
“Tôi kỳ vọng tổng thống mới của chúng tôi sẽ thúc đẩy cải cách xây dựng các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, quyết tâm chống tham nhũng, tạo ra một chính phủ minh bạch, trong sạch và hình thành một liên minh liên bang” - bác sĩ Myo chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Không ít thử thách
Bác sĩ Myo Min cho rằng dù vẫn còn một số nhóm lợi ích (quan chức chính quyền kết hợp với doanh nhân) phản đối quyết liệt các chính sách cải cách vì lợi ích riêng của họ nhưng ông tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng NLD, đất nước Myanmar sẽ phát triển vững mạnh và đời sống người dân sẽ khấm khá hơn trong thời gian tới.
“Chúng tôi không muốn nhìn thấy đất nước mình trở thành một trong những đất nước nghèo nhất thế giới. Chúng tôi muốn thay đổi tình cảnh hiện tại.
Đó là lý do tại sao hầu hết mọi người đều ủng hộ Đảng NLD. Theo quan điểm của tôi, NLD được xây dựng từ niềm tin từ dân thường” - bác sĩ Myo bộc bạch.
Về tổng thống mới, bác sĩ Myo Min nhận xét: “Ông ấy là người tốt, có lý lịch trong sạch và được thụ hưởng nền giáo dục tốt ở châu Âu.
Ngoài ra, tôi cũng đặt nhiều niềm tin yêu và hi vọng cho lãnh đạo của chúng tôi là bà Suu Kyi”.
Bác sĩ Myo Min chia sẻ thêm người dân Myanmar cần một vị tổng thống dám chịu trách nhiệm cho hành động của mình và cá nhân ông tin tưởng Tổng thống Htin Kyaw sẽ dẫn dắt đất nước bằng sự thông thái của chính ông, sự tư vấn của bà Suu Kyi cùng những nhà lãnh đạo Đảng NLD.
Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng Đảng NLD thiếu kinh nghiệm điều hành đất nước, bác sĩ Myo Min nói đây không phải lần đầu tiên Myanmar có một chính phủ thiếu kinh nghiệm.
Ông giải thích người dân Myanmar đã sống dưới sự quản lý của chính quyền quân sự trong nhiều năm và chính quyền quân sự không những thiếu kinh nghiệm mà còn thiếu sự cảm thông, khiến người dân sợ tham gia chính trị cũng như mong muốn trở thành một phần của chính quyền.
Do vậy, theo ông, thiếu kinh nghiệm không phải là vấn đề lớn đối với Myanmar lúc này.
Quyền lực hạn chế
Ông Bo Kyi, thư ký Hội Tương trợ tù chính trị Myanmar, nhìn nhận: “Tổng thống Myanmar không có nhiều quyền hạn...
Tổng thống không thể quyết định về các vấn đề an ninh. Tổng tư lệnh quân đội mới là người có quyền nhất (về an ninh)”.
Thật vậy, tổng thống Myanmar có quyền ân xá cho một tù nhân nào đó, nhưng muốn ân xá cho nhiều tù nhân thì phải được Hội đồng An ninh quốc gia thông qua.
Trong khi đó, 6/11 thành viên Hội đồng An ninh quốc gia là quân nhân.
Bộ trưởng nội vụ cũng do quân đội trực tiếp chỉ định, sẽ phụ trách chỉ huy cảnh sát và quản lý các trại giam.
Sau khi tân tổng thống Myanmar nhậm chức, chắc chắn quân đội sẽ tiếp tục duy trì quyền hạn nhất định trong guồng máy mới vận hành.
Theo nhà phân tích Tridivesh Singh Maini ở Học viện Quan hệ quốc tế Jindal (Ấn Độ), cách tốt nhất để phát huy dân chủ ở Myanmar là hợp tác trong công việc nhưng không nhất thiết phải quỵ lụy quân đội.
Đến giờ, bà Suu Kyi đã giữ thái độ hết sức hòa giải và sẵn sàng tham vấn quân đội khi cần thiết. Có thể tân tổng thống Myanmar cũng nên giữ thái độ hợp tác như thế.
HOÀNG DUY