Mỹ, Trung, Nhật đua nhau “tán tỉnh” ASEAN

Do sự thay đổi mối quan tâm địa chính trị của các cường quốc trên thế giới, ba ông lớn - Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ - phải ra sức “tán tỉnh” nhằm có được ảnh hưởng trong khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới thăm các quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) 3 lần kể từ khi trở lại nắm quyền vào cuối năm ngoái. Chuyến đi mới nhất của ông đã ghé qua Malaysia, Singapore và Phillippines. Tính tổng cộng, ông đã đến 7 trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Trung Quốc cũng ra sức thúc đẩy các cam kết của mình và cũng đã tỏ rõ thái độ hòa giải hơn trong các cuộc họp cấp cao gần đây với các đối tác ASEAN. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã có 3 chuyến viếng thăm tới ASEAN. Đáng chú ý, vào tháng 6/2013, Trung Quốc đã đồng ý cùng ASEAN đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm điều chỉnh các hành vi của các lực lượng hải quân trên vùng biển khu vực.

Những tiến bộ này tương phản với các quan điểm trước đó của Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc kiên quyết từ chối tham gia cùng ASEAN để giải quyết các vấn đề lãnh thổ trên biển. Nước này đã từng kéo Campuchia về phía mình và ngăn chặn một nỗ lực tập thể của ASEAN để ra tuyên bố chung trong đó có đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 45.

Mỹ, Trung, Nhật đua nhau “tán tỉnh” ASEAN
Các nhà lãnh đạo khối ASEAN.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel của Mỹ đều đã thực hiện các chuyến công du tới các nước ASEAN. Các chuyến đi đều nhấn mạnh tầm quan trọng, sự phù hợp và sức mạnh được phô diễn của chính sách “trục châu Á” của Mỹ. Philippines và Mỹ cũng đã bắt đầu các cuộc thảo luận mở rộng các căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ - một kết quả quan trọng và biểu hiện rõ ràng của chính sách tái cân bằng trục của Washington.

Việc các cường quốc đầu tư vào các nước ASEAN không phải là sự kiện mới. Tuy nhiên, cường độ “tán tỉnh” liên tục gần đây là chưa từng có tiền lệ. Tờ The Diplomat đã đưa ra hai lý do khá thuyết phục để lý giải cho sự thay đổi này, một mang tính thực tế và một mang tính chiến lược.

Đầu tiên là bởi chủ nghĩa vị lợi. Hiện ASEAN đã có một mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên với nhau, thông qua các sáng kiến như một thị trường chung. Các cường quốc sẽ có thể có được mối quan hệ với toàn bộ ASEAN chỉ đơn gian bằng cách tăng cường các mối quan hệ với một vài thành viên. Trường hợp điển hình: chuyến thăm của ông Abe tới 3 quốc gia (trong số 10 nước ASEAN ) đã được nhiều phương tiện truyền thông đưa tin xem đó như là một "tour du lịch tới các nước ASEAN" và là một hành động giúp tăng cường quan hệ với toàn bộ khối. Điều này cũng tương tự với Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Quan trọng hơn, lý do chính để các cường quốc tỏ ra ưu ái đối với ASEAN chính là bởi một chiến lược cơ bản về vị trí địa lý.

ASEAN đã trở thành khu vực quan trọng cho các cường quốc tìm kiếm sự ảnh hưởng và chạy đua thể hiện sức mạnh. Ví dụ: Để tăng cường sức mạnh nhờ vào sự ủng hộ của các quốc gia đối lập với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp các hòn đảo nhỏ ở biển Hoa Đông, Nhật Bản đã liên tiếp cung cấp các chương trình hỗ trợ và thiện chí chính trị ở Đông Nam Á. Khi đến Philippines ( quốc gia có tranh chấp mạnh mẽ với Trung Quốc ở Biển Đông), Tokyo đã tìm cách tái thiết mối quan hệ bằng cách hỗ trợ hàng hải, tăng cường giao lưu kinh tế, mở rộng các khoản vay tín dụng, và đáng chú ý nhất, cung cấp 10 tàu tuần tra cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines. Đây là một mũi dao đâm về phía Bắc Kinh.

Mỹ, mặt khác, thể hiện sự thống trị truyền thống của mình tại Thái Bình Dương theo cách riêng – khu vực ngày càng phải chịu nhiều áp lực về tranh chấp chủ quyền. Những nhận định cho rằng Mỹ đang suy thoái và Trung Quốc đang trỗi dậy đã buộc Washington phải nhắc lại và cũng cố vị thế của mình trong khu vực này. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nhìn thấy những nỗ lực tăng gấp đôi của Mỹ để tham gia vào các vấn đề khu vực, tái tham gia vào các chương trình đã bị lãng quên, bảo đảm an ninh và trấn an các đồng minh trong khu vực của mình.

ASEAN một phần được hưởng lợi từ những điều nói trên, nhưng khối cũng cần phải duy trì sự điềm tĩnh của mình và không nên nghiêng về bất kỳ một cường quốc nào. Mặt khác, ASEAN cũng phải đủ cứng rắn để không bị bắt nạt. Nói cách khác, ASEAN cần tiếp tục xây dựng một hình ảnh trung lập, điều sẽ giúp đảm bảo cho khu vực này có sự kết nối về cả ngoại giao lẫn kinh tế với các cường quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại