Mỹ tố cáo 10 điều "dối trá nguy hiểm" của Nga về Ukraine

My Lan |

(Soha.vn) - " Các trang web trên mạng internet của Nga đã công khai tuyển tình nguyện viên đi từ Nga sang Ukraine và kích động bạo lực".

Trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/4 đã đăng tải một thông báo với tiêu đề “Russian Fiction the Sequel: 10 More False Claims About Ukraine” (tạm dịch: “ Hư cấu của Nga - phần tiếp theo: Thêm 10 tuyên bố không có thật về Ukraine”).

Thông báo này đã dẫn ra những tuyên bố của Nga mà Mỹ cho rằng chỉ là dối trá để biện minh cho sự các hành động của mình ở Ukraine, đồng thời giải thích rõ điều mà Mỹ khẳng định là sự thật đằng sau chúng.

Ngày 5/3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một thông báo tương tự trên trang web của mình.

Thông báo được Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tải ngày 14/4.

Thông báo được Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tải ngày 14/4.

Dưới đây là toàn văn thông báo của Bộ ngoại giao Mỹ về các tuyên bố của Nga liên quan tới vấn đề Ukraine:

Nga tiếp tục lan truyền những câu chuyện dối trá và nguy hiểm nhằm biện minh cho những hành động bất hợp pháp của mình ở Ukraine. Bộ máy tuyên truyền của Nga vẫn đang đẩy mạnh những luận điệu căm thù và kích động bạo lực bằng cách tạo ra những mối đe doạ không có thật ở Ukraine. Chúng ta sẽ không phải thấy bạo lực và những sự việc đáng buồn vào cuối tuần qua nếu không có liên tiếp những chuỗi thông tin sai lệch và những kẻ nhử mồi từ Nga nhằm kích động tình trạng bất ổn ở miền Đông Ukraine.

Đây là 10 tuyên bố sai lầm mà Nga sử dụng để biện minh cho sự can thiệp vào Ukraine, cùng với những sự thật đã phớt lờ hoặc bóp méo.

1. Nga tuyên bố: Điệp viên Nga không hoạt động tại Ukraine

Sự thật: Chính phủ Ukraine đã bắt giữ hơn 10 người nghi là tình báo Nga trong vài tuần vừa qua, nhiều người trong số đó được trang bị vũ khí tại thời điểm bị bắt. Vào tuần đầu tiên của tháng 4/2014, chính phủ Ukraine đã nắm được thông tin rằng các sĩ quan GRU của Nga đã khuyên nhủ, hướng dẫn người dân ở Kharkiv và Donetsk tiến hành biểu tình, kiểm soát, chiếm đóng các toà nhà chính quyền, thu giữ vũ khí từ các kho vũ khí của những toà nhà này và tiến hành những hành động bạo lực khác nữa.

Ngày 12/4, các chiến binh vũ trang ủng hộ Nga đã chiếm các toà nhà chính quyền trong một hoạt động chuyên nghiệp và có sự phối hợp tại 6 thành phố ở miền Đông Ukraine. Rất nhiều người được trang bị áo khoác chống đạn, đồng phục nguỵ trang không có phù hiệu, mang vũ khí do Nga thiết kế như AK-74 và Dragunovs. Các đơn vị vũ trang này, một vài người đeo dải băng St.George màu đen và cam - được sử dụng trong dịp kỉ niệm Ngày Chiến thắng của Nga - đã cắm cờ Nga và cờ của những kẻ ly khai trênnóc các toà nhà bị chiếm đóng, kêu gọi trưng cầu dân ý để ly khai và sáp nhập vào Nga. Những động thái này rất giống với những gì diễn ra đối với các trụ sở ở Ukraine khi Nga can thiệp quân sự bất hợp pháp vào Crimea vào cuối tháng 2 rồi sau đó là chiếm đóng nó.

2. Nga tuyên bố: Những cuộc biểu tình ủng hộ Nga chỉ do những người Ukraine tự nguyện tham gia, cũng giống như phong trào Maidan ở Kiev

Sự thật: Nó không phải bắt nguồn từ sự tuyên truyền, vận động công dân Ukraine của phong trào EuroMaidan (biểu tình ủng hộ châu Âu), một phong trào với sự tham gia của một vài sinh viên biểu tình và rồi lớn mạnh lên thành hàng trăm nghìn người Ukraine từ khắp mọi nơi, khắp các tầng lớp xã hội ở Ukraine. Các trang web trên mạng internet của Nga đã công khai tuyển tình nguyện viên đi từ Nga sang Ukraine kích động bạo lực. Có bằng chứng về việc nhiều người được gọi là "người biểu tình" đã được trả tiền để tham gia vào các vụ bạo lực và bất ổn. Rõ ràng đó không phải là những hành động tự phát, mà là một phần của chiến dịch kích động, ly khai, phá hoại nhà nước Ukraine do Nga khéo léo dàn dựng. Chính quyền Ukraine tiếp tục bắt giữ những kẻ kích động được đào tạo và được trang bị vũ khí đầy đủ để hoạt động trong lãnh thổ này.

3. Nga tuyên bố: Các nhà lãnh đạo ly khai ở miền Đông Ukraine nhận được sự ủng hộ lớn từ công chúng

Sự thật: Các cuộc biểu tình gần đây ở miền đông Ukraine không có tổ chức và thiếu sự ủng hộ sâu rộng từ chính khu vực này. Theo một cuộc thăm dò dư luận được Viện Phân tích chính sách và Nghiên cứu Xã hội ở Donetsk tiến hành hồi cuối tháng 3, phần lớn người dân nơi này (65,7%) muốn sống ở một quốc gia Ukraine thống nhất và phản đối việc tái sáp nhập vào Nga. Những cuộc biểu tình ủng hộ Nga tại miền Đông Ukraine chỉ có quy mô nhỏ, đặc biệt là trong tương quan với các cuộc biểu tình Maidan tại chính những thành phố này hồi tháng 12. Quy mô của chúng còn nhỏ hơn trước.

4. Nga tuyên bố: Tình hình ở miền Đông Ukraine có nguy cơ leo thang thành nội chiến

Sự thật: Những gì đang tiếp diễn ở Ukraine sẽ không xảy ra nếu không có liên tiếp những chuỗi thông tin sai lệch và những kẻ nhử mồi từ Nga nhằm kích động tình trạng bất ổn ở miền Đông Ukraine. Nó sẽ không xảy ra nếu lực lượng quân sự lớn của Nga không tập trung tại biên giới, gây bất ổn bằng sự hiện diện mang tính đe doạ công khai của họ. Ngay cả các cuộc biểu tình quy mô nhỏ cũng không hề diễn ra ở khu vực này. Một số lượng ít những kẻ ly khai đã chiếm giữ các toà nhà chính quyền ở các thành phố phía đông như Donetsk, Luhansk và Slovyansk, nhưng chúng không thể nhận được sự ủng hộ đáng kể nào. Chính quyền Ukraine đã đặc biệt kiềm chế khi nỗ lực giải quyết tình hình và chỉ hành động khi bị các chiến binh vũ trang kích động, sự an toàn của người dân bị đe doạ. Các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã báo cáo rằng những vụ việc này rất mang tính địa phương.

5. Nga tuyên bố: Người Ukraine ở Donetsk phủ nhận chính quyền hợp pháp ở Kiev và thành lập "Nước Cộng hoà Nhân dân Donetsk" độc lập

Sự thật: Hội đồng và những đại diện của xã hội dân sự cùng các tổ chức phi chính phủ tại Donetsk đã dứt khoát bác bỏ tuyên bố về một nước "Cộng hoà Nhân dân Donetsk" do một nhóm nhỏ những kẻ ly khai chiếm toà nhà chính quyền khu vực lập ra. Các tổ chức tương tự cũng tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với chính phủ lâm thời cùng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Ukraine.

6. Nga tuyên bố: Nga ra lệnh "rút một phần" quân đội khỏi biên giới Ukraine

Sự thật: Không có bằng chứng nào cho thấy Nga có động thái đáng kể trong việc rút lực lượng khỏi biên giới Ukraine. Chỉ một tiểu đoàn thì không đủ. Khoảng 35.000 - 40.000 binh lính Nga vẫn còn đóng tại biên giới, cùng với khoảng 25.000 binh lính hiện đang có mặt ở Crimea.

7. Nga tuyên bố: Người gốc Nga ở Ukraine đang bị đe doạ

Sự thật: Không có bất cứ báo cáo đáng tin cậy nào về việc người gốc Nga đang phải đối mặt với những mối đe doạ ở Ukraine. Theo một cuộc thăm dò của Viện Cộng hoà Quốc tế công bố ngày 5/4, 74% người dân nói tiếng Nga ở các khu vực phía đông và phía nam Ukraine cho biết họ "không bị áp lực hay bị đe doạ vì ngôn ngữ của mình". Trong khi đó, tại Crimea, OSCE đã lên tiếng về những mối lo ngại cấp thiết đối với sự an nguy của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Ukraine, người Tatar ở Crimea và những nhóm dân số khác. Đáng buồn thay, người gốc Nga đang bị đe doạ nhất chính là những người đang sống ở Nga và những người phản đối chế độ của Putin. Những người Nga đang liên tục bị sách nhiễu và phải đối mặt với án tù vì lên tiếng phản đối sự lạm dụng quyền lực một cách thường xuyên của Putin.

8. Nga tuyên bố: Chính phủ mới ở Ukraine do những kẻ chủ nghĩa dân tộc cực đoan và những kẻ theo chủ nghĩa phát-xít lãnh đạo

Sự thật: Quốc hội Ukraine (Rada) không hề thay đổi trong tháng Hai. Đó cũng chính là Rada được người Ukraine bầu ra, bao gồm tất cả các đảng đã tồn tại từ trước những sự kiện diễn ra vào tháng Hai, kể cả đảng Các khu vực của cựu Tổng thống Yanukovych. Chính phủ mới, do một số lượng áp đảo trong quốc hội tán thành - bao gồm nhiều thành viên của đảng của Yanukovych, đã cam kết bảo vệ quyền lợi của tất cả người dân Ukraine, kể cả ở Crimea.

9. Nga tuyên bố: Các dân tộc thiểu số phải đối mặt với những cuộc đàn áp ở Ukraine từ chính phủ "phát xít" ở Kiev

Sự thật: Các nhà lãnh đạo Do thái ở Ukraine cũng như cộng đồng người Đức, Séc và Hungary, đều công khai bày tỏ rằng họ cảm thấy an toàn dưới sự điều hành của chính phủ mới ở Kiev. Hơn nữa, nhiều nhóm người thiểu số đã thể hiện sự sợ hãi đối với cuộc đàn áp ở khu vực Crimea bị người Nga chiếm đóng - điều này đã được một quan sát viên của OSCE chứng minh.

10. Nga tuyên bố: Nga không dùng năng lượng và thương mại làm vũ khí chống lại Ukraine

Sự thật: Tiếp sau sự sáp nhập và chiếm đóng bất hợp pháp của Nga ở Crimea, Nga đã tăng giá khí đốt tự nhiên mà Ukraine phải trả lên 80% trong vòng 2 tuần qua. Thêm vào đó, nước này cũng đòi khoản nợ quá hạn trị giá hơn 11 tỉ USD sau khi bãi bỏ hiệp ước Kharkiv 2010. Các động thái của Nga đe doạ tăng thêm những nỗi đau về kinh tế mà người dân và doanh nghiệp Ukraine phải đối mặt. Thêm vào đó, Nga tiếp tục hạn chế các mặt hàng xuất khẩu của Ukraine sang Nga, vốn đang chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế xuất khẩu của Ukraine.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại