Động thái trên diễn ra bất chấp nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đe dọa sát hại phóng viên Mỹ thứ 2 đang bị họ cầm giữ để trả đũa các vụ tấn công của Washington.
14 vụ không kích mới nhất được tiến hành tại khu vực xung quanh đập Mosul hôm 20-8 với mục tiêu giúp các lực lượng Iraq và người Kurd thiết lập một vùng đệm xung quanh cơ sở trọng yếu này. Ngoài ra, theo một quan chức cấp cao Mỹ, số lượng binh sĩ được cân nhắc gửi đến Baghdad sẽ không quá 300 người, nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng từ phía các lãnh đạo Lầu Năm Góc. Lực lượng này được Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu và, nếu được phê chuẩn, sẽ giúp tăng cường an ninh xung quanh Baghdad.
Tuy nhiên, bất chấp sự phẫn nộ ở trong và ngoài nước về doạn video chặt đầu phóng viên Mỹ James Foley, giới chức nước này cho biết Tổng thống Barack Obama nhiều khả năng sẽ không can dự sâu hơn vào tình hình Iraq và Syria mà vẫn tiếp tục duy trì các vụ không kích như hiện nay.
Theo một số quan chức giấu tên, hiện Washington không có kế hoạch thay đổi đáng kể chiến dịch không kích IS, lực lượng đã chiếm 1/3 lãnh thổ Iraq kể từ tháng 6, hoặc mở rộng hành động quân sự này sang nước láng giềng, nơi IS cũng đang hoạt động mạnh mẽ. Một quan chức cho biết mục tiêu của các vụ không kích cho đến giờ vẫn là bảo vệ các cơ sở của Mỹ và giúp người Iraq đánh trả IS để giành lại những vùng đất đã mất - một chiến lược nhìn chung đang nhận được sự ủng hộ của dư luận Mỹ trước khi xuất hiện đoạn video về vụ chặt đầu phóng viên Foley.
Hiện chưa rõ vụ việc này có khiến người dân Mỹ thay đổi quan điểm hay không. Tuy nhiên, một số nhà phân tích quân sự và nghị sĩ cho rằng đoạn video trên - đã được xác định là thật - cho thấy sự cần thiết của việc Mỹ phải tăng cường các vụ tấn công nhằm xóa sổ IS. Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Đảng Dân chủ cho rằng IS đã tuyên chiến với nước Mỹ trong lúc nghị sĩ Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, kêu gọi đối phó mạnh tay hơn nữa với nhóm này.