Trong một tuyên bố, ông Kerry đã hối thúc việc khôi phục một chính quyền dân sự, tôn trọng tự do báo chí và tiến hành "cuộc bầu cử sớm phản ánh ý nguyện của người dân". Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi trả tự do cho giới lãnh đạo chính trị cấp cao của Thái Lan. Trong diễn biến liên quan, Liên minh châu Âu (EU) đã hối thúc nhanh chóng trở lại tiến tình dân chủ ở Thái Lan sau khi quân đội nước này tiến hành cuộc đảo chính.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon cho biết ông "hết sức quan ngại" về việc quân đội lên nắm quyền ở Thái Lan. Trong một tuyên bố, ông Ban Ki-moon kêu gọi "sự trở lại nhanh chóng của chính quyền hợp hiến, dân sự, dân chủ và một cuộc đối thoại bao gồm tất cả các bên sẽ mở đường cho hòa bình và thịnh vượng lâu dài tại Thái Lan".
Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 22/5: cuộc đảo chính quân sự vừa xảy ra ở Thái Lan sẽ đẩy nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này vào một giai đoạn khủng hoảng mới và làm gia tăng nguy cơ nước này phải đối mặt với lệnh trừng phạt của quốc tế. Mỹ cho biết họ buộc phải xem xét lại mối quan hệ với quân đội Thái Lan, bao gồm các chương trình hợp tác huấn luyện đào tạo và tập trận đa phương, song phương thường niên được tổ chức trên đất Thái Lan.
Các đồng minh Phương Tây của Thái Lan có thể sẽ tính đến phương án áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào quân đội nước này sau cuộc đảo chính hôm 22/5. Một số ít những người biểu tình thuộc phe đối lập vui mừng đón nhận tin quân đội làm đảo chính. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa rõ những bước đi tiếp theo của quân đội Thái Lan là gì. Cuộc đảo chính quân sự được coi là một thử thách mới đối với giới đầu tư nước ngoài ở Thái Lan. Trong suốt 8 năm qua, tình trạng bất ổn về chính trị đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Thái Lan, đặc biệt là đối với các ngành chế tạo và du lịch. Ngay khi đảo chính nổ ra, đồng baht đã giảm 0,4% giá trị trên thị trường trong khi niềm tin của giới đầu tư một lần nữa lại bị "nhấn chìm".