Việt Nam rất đúng đắn trong xử lý vấn đề Biển Đông

Tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5 tại Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga chủ đề xung đột ở Biển Đông đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và được thảo luận sôi nổi.

Với vai trò là người điều phối phiên họp thứ hai của hội thảo về vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Dmitri Mosyakov, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương, Viện Đông phương học-Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã nêu các dẫn chứng lịch sử chứng tỏ từ lâu đời quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc sở hữu của Việt Nam.

Tiến sĩ Mosyakov bày tỏ sự quan ngại và đưa ra những phân tích xác đáng phê phán hành động khiêu khích của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tiến sĩ Mosyakov nói: "Tôi đánh giá tình hình đang xảy ra ở Biển Đông là rất nguy hiểm. Đây là sự khiêu khích từ phía Trung Quốc vì rõ ràng khu vực này thuộc Thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khó có thể nói Trung Quốc nhằm mục đích gì ở đây, bởi vì có nhiều số liệu cho thấy khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 có rất ít dầu khí. Vì thế hành động khiêu khích của Trung Quốc mang động cơ chính trị nhiều hơn mục đích kinh tế.”

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu nào? Tiến sĩ Mosyakov đưa ra các phương án: “Có thể là hăm dọa Việt Nam, chứng minh sức mạnh của Trung Quốc, rằng họ có thể làm tất cả những gì mà họ thấy cần thiết. Phương án thứ hai là Trung Quốc muốn cho Hoa Kỳ thấy mình là bá chủ khu vực, nhất là sau chuyến thăm một loạt các nước Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ Obama. Một phương án nữa là Trung Quốc muốn xem điều gì đang xảy ra trong ASEAN. Hành động này của Trung Quốc là có toan tính từ trước và họ muốn xem phản ứng của các nước như thế nào. Nếu phản ứng của Việt Nam và các nước là cứng rắn và kiên quyết thì Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh kế hoạch. Còn nếu như các nước ASEAN và Việt Nam đồng ý với chính sách này thì hoàn toàn dễ hiểu rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang hơn nữa”.

Tiến sĩ Mosyakov nhấn mạnh: "Việt Nam và lãnh đạo Việt Nam đang có một nguyên tắc rất đúng đắn trong xử lí vấn đề hiện nay. Nguyên tắc này là sự kết hợp của hai quan điểm, một mặt khẳng định chủ quyền của Việt Nam và chỉ ra việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền, mặt khác là yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, chuyển từ xung đột sang một cơ chế đối thoại, không để căng thẳng trở thành một cuộc chiến. Điều này rất quan trọng và thực tế, cho thấy chính sách sáng suốt và kiên quyết của Việt Nam”.

Tiến sĩ Mosyakov cũng tỏ ra hoài nghi trước thiện chí đối thoại, giải quyết tranh chấp của Trung Quốc. Ông phân tích: "Trung Quốc có những kế hoạch nào cho vấn đề hiện nay, liệu Trung Quốc có chấp nhận quan điểm của Việt Nam để tiến hành thảo luận một cách công bằng và minh bạch đối với vấn đề tranh chấp hiện nay bằng con đường hòa bình hay không, hay là Trung Quốc tiếp tục muốn leo thang để chứng tỏ ai là bá chủ trong khu vực?

Nếu điều này xảy ra thì nguy cơ xảy ra xung đột là rất lớn. Bởi vì không ai biết bước đi tiếp theo của Trung Quốc là gì. Điều này sẽ phụ thuộc vào chính sách của Việt Nam và quan điểm của ASEAN, vào những điều chính quyền Bắc Kinh đang thảo luận về tình hình Biển Đông".

Một trong những nội dung được quan tâm tại phiên thảo luận, đó là vai trò và quan điểm của Nga trong vấn đề căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin có chuyến thăm tới Trung Quốc vào thời điểm này.

Tiến sĩ Victor Sumsky, Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Học viện Quan hệ quốc tế (MGIMO - Bộ Ngoại giao Nga) khẳng định Nga rất quan tâm theo dõi tình hình và có quan điểm nhất quán trong vấn đề này. Tiến sĩ Sumsky nói: "Chúng tôi thường xuyên khẳng định quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông, ví dụ trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Putin tháng 11/2013, chúng tôi khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình, tuân thủ UNCLOS năm 1982. Tôi tin rằng nước Nga không đứng bên lề sự kiện này, mà nước Nga rất quan tâm theo dõi tình hình đang xảy ra ở Biển Đông vì điều này không chỉ gây bất ổn đến khu vực Đông Nam Á mà cả châu Á nói chung. Do đó cần phải tìm một cách thức nào đó để giải quyết tình hình phức tạp hiện nay”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại