Mời Kim Jong Un đến Nga, Putin nhắn phương Tây: "Kệ các ông..."

Đức Huy |

Việc ông Kim Jong Un chính thức nhận được lời mời tới thăm Nga vào tháng Năm tới đây chứa đựng nhiều ẩn ý.

Thứ năm tuần trước (19/3), một quan chức cấp cao thuộc chính phủ Nga đã xác nhận, lễ kỉ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít diễn ra vào tháng Năm tới đây tại Moscow sẽ có sự góp mặt của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.

Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Kim Jong Un kể từ khi nhậm chức, và cũng là lần xuất ngoại đầu tiên của một lãnh tụ Triều Tiên kể từ tháng 8/2011, khi ông Kim Jong Il đến thăm vùng Viễn Đông nước Nga.

Ông Kim Jong Il (phải) song hành cùng ông Dmitry Medvedev, khi đó là Tổng thống Nga, trong chuyến công du Viễn Đông tháng 8/2011. Ảnh: AP
Ông Kim Jong Il (phải) song hành cùng ông Dmitry Medvedev, khi đó là Tổng thống Nga, trong chuyến công du Viễn Đông tháng 8/2011. Ảnh: AP

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron hay Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định sẽ vắng mặt ở sự kiện này để phản đối những gì đang diễn ra tại Ukraine.

Sự có mặt của ông Kim trong sự kiện tới đây đang khiến giới phân tích đặt câu hỏi, liệu đây có thực sự là một bước tiến mới trong quan hệ ngoại giao Nga - Triều, hay nó còn mang theo một mục đích chính trị nào khác?

2015 - Năm của Tình hữu nghị

Trong một tuyên bố chung hôm 13/3 vừa qua, năm 2015 đã được lãnh đạo Nga và Triều Tiên chọn làm "Năm của Tình hữu nghị", với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế, trao đổi hàng hóa và đầu tư giữa hai nước.

Về mặt lý thuyết, bắt tay với Triều Tiên sẽ đem lại cho Nga một trạm trung chuyển giao dịch thương mại hữu ích, hay thậm chí còn có thể tạo điều kiện cho một đường ống dẫn dầu mới trong tương lai.

Thêm vào đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu cũng đã có ý định nâng tầm ảnh hưởng lên khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và Triều Tiên có thể là bàn đạp cho ông thực hiện điều đó.

Về phía Triều Tiên, nâng tầm quan hệ ngoại giao với Nga cũng sẽ mang lại cho họ những lợi ích không thể phủ nhận.

Trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang cố gắng tranh thủ mọi sự ủng hộ của các nước tại LHQ cũng như tìm kiếm một đối tác kinh tế khác để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, trở thành đồng minh với Nga sẽ là một bước tiến vô cùng quan trọng.

Cũng vì lý do này mà theo nhiều nhà phân tích, đích thân ông Kim Jong Un sẽ đến Nga vào tháng Năm tới, thay vì cắt cử Ngoại trưởng Ri Su Yong như thường lệ.

Đích thân ông Kim Jong Un sẽ đại diện Triều Tiên tham gia lễ kỉ niệm 70 năm Chiến tranh Thế giới Thứ hai tại Nga. Ảnh: AP

Đích thân ông Kim Jong Un sẽ đại diện Triều Tiên tham gia lễ kỉ niệm tại Nga. Ảnh: AP

Ý nghĩa hình ảnh và thông điệp tới phương Tây

Bên cạnh những mục tiêu ngoại giao nói trên, lễ kỉ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít sắp tới, theo các chuyên gia, cũng là dịp để Tổng thống Putin khẳng định vị thế của nước Nga trên trường quốc tế.

"Putin muốn nhấn mạnh tầm ảnh hưởng toàn cầu của Moscow, và gửi một thông điệp nhắc nhở thế giới rằng Nga vẫn nắm một vai trò quan trọng trên trường quốc tế, đặc biệt là khu vực châu Á" - Richard Weitz, chuyên gia Viện nghiên cứu Hudson, phát biểu trên CNN.

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên Nicholas Eberstadt, việc mời đích danh Triều Tiên tham gia sự kiện này cũng là cách để Nga nói với phương Tây rằng "kệ các ông, chúng tôi muốn làm gì là việc của chúng tôi".

Mỹ và các nước phương Tây từ trước đến nay vẫn luôn tìm cách cô lập Triều Tiên nhằm ép nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Nay lời mời của ông Putin gửi đến ông Kim Jong Un có thể coi là một sự bác bỏ thẳng thừng chính sách này của Mỹ và đồng minh.

Do đó, ông Eberstadt tỏ ra hoài nghi về độ thành thực trong ý định tăng cường hợp tác song phương với Bình Nhưỡng của điện Kremlin.

"Tôi không rõ điện Kremlin có làm gì cụ thể để thể hiện chính sách ngoại giao họ mới đặt ra với Bình Nhưỡng hay không" - ông Eberstadt phát biểu.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, ông Chris Hill, cũng chia sẻ quan điểm này.

"Tôi không nghĩ Nga thật sự 'mặn mà' với Triều Tiên đến thế" - ông Hill nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại