Malcolm Turnbull thành Thủ tướng Australia, TQ mừng hay lo?

Hải Võ |

Australia đã bất ngờ có Thủ tướng mới, sau khi ông Tony Abbott bị cựu Bộ trưởng truyền thông Malcolm Turnbull đánh bại trong cuộc bỏ phiếu kín bầu lãnh đạo của đảng Tự do cầm quyền.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay, các ông Abbott và Turnbull là "đối thủ truyền kiếp" của nhau và ông Turnbull chiến thắng bằng số phiếu chênh lệch không lớn, 54 so với 44.

Mặc dù Tony Abbott đã mất ghế Thủ tướng, nhưng quyền lực của ông vẫn còn. Trong 2 năm trở lại đây Australia thường xuyên có sự thay đổi Thủ tướng và ông Abbott đã là người thứ 4 giữ cương vị này trong gần 28 tháng qua.

Theo Hoàn Cầu, sự thất bại của Tony Abbott chủ yếu do vấn đề kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại khiến cho giá khoáng sản mà Australia xuất sang nước này "tuột dốc", trong khi giá năng lượng xuất khẩu ra toàn cầu cũng bị giảm do tình hình kinh tế chung ảm đạm.


Ông Abbott (phải) thất bại trước ông Turnbull vì để kinh tế Australia đi xuống. Ảnh: CFP

Ông Abbott (phải) thất bại trước ông Turnbull vì để kinh tế Australia đi xuống. Ảnh: CFP

Sự "mập mờ" trong quan hệ Trung Quốc-Australia

Sự thay đổi Thủ tướng của Australia ngày hôm qua (14/9) dù bất ngờ nhưng về bản chất vẫn chỉ là cạnh tranh trong nội bộ đảng và khả năng đem lại biến đổi lớn trong chính sách đối nội-đối ngoại là không lớn so với việc thay đổi đảng cầm quyền.

Dù vậy, chính sách của Australia chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh với việc Malcolm Turnbull lên nắm quyền.

Trước cuộc bỏ phiếu, ông Turnbull đã từ chức Bộ trưởng truyền thông. Đây là chức vụ được Hoàn Cầu đánh giá "thiên về chuyên môn", trong khi cựu Thủ tướng Tony Abbott là một chính khách "nghiêng về làm chính trị".

Tờ báo Trung Quốc cho rằng, trong lĩnh vực chính trị, ông Abbott có xu hướng bảo thủ và đánh giá cao sự đồng nhất trong giá trị quan giữa các quốc gia, được thể hiện rõ qua thái độ "nghiêng về Mỹ", "xem trọng Nhật Bản" của Australia trong thời gian ông làm Thủ tướng.

Không ít tuyên bố của Tony Abbott từng khiến Bắc Kinh "phật ý".

Trong khi đó, biểu hiện ở lĩnh vực ngoại giao của ông Malcolm Turnbull được cho là "cẩn trọng". Ông này ghi nhận Trung Quốc là "đồng minh quan trọng" của phương Tây trong Thế chiến II, thậm chí Australia thoát khỏi nguy hiểm nhờ có Trung Quốc.

Hoàn Cầu cho biết, tân Thủ tướng Australia là người "tư duy sâu, nói chuyện có trình độ" về các vấn đề Trung Quốc, là nhân vật "quen thuộc với lịch sử Trung Quốc cận đại".

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ông Turnbull sẽ thúc đẩy chính sách ngoại giao hữu hảo hơn với Bắc Kinh.

Kevin Rudd - tiền nhiệm của Tony Abbott - là một chính khách giỏi tiếng Hoa và để lại ấn tượng rất tốt với người Trung Quốc nhưng đã khiến Bắc Kinh "ngã ngửa" bởi thái độ cứng rắn đối với nước này sau khi ông lên nắm quyền.

Phía Trung Quốc cho rằng, giữa nước này và Australia không tồn tại xung đột lớn. Dù Tony Abbott duy trì chính sách thân Mỹ, nhưng ông cũng thúc đẩy đàm phán và ký kết hiệp định tự do mậu dịch Trung-Australia.

Mặt khác, "cái bóng của Washington" luôn hiện diện trong quan hệ của Australia với Trung Quốc và nước này không thể làm gì trước thực tế Canberra hưởng ứng nhiệt tình những tuyên bố cứng rắn của Mỹ trước các hành vi trái phép của Bắc Kinh ở biển Đông.

Trong lĩnh vực an ninh, Australia cũng ủng hộ việc bảo vệ tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông và sẵn sàng phối hợp với Ấn Độ, Nhật Bản cùng Mỹ để bảo đảm ổn định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hoàn Cầu nhận xét, quan hệ Trung Quốc-Australia không thể xếp loại "tốt hoặc không tốt". Song phương duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ, nhưng các chính khách của Australia cũng không ngại đưa những tuyên bố "gây sốc" về Trung Quốc.


Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd (phải) giỏi tiếng Hoa nhưng lại có đường lối rất cứng rắn đối với Trung Quốc. Ảnh: AP

Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd (phải) giỏi tiếng Hoa nhưng lại có đường lối rất cứng rắn đối với Trung Quốc. Ảnh: AP

Malcolm Turnbull có khiến Trung Quốc "yên tâm" hơn Tony Abbott?

Tân Thủ tướng Turnbull sẽ hạn chế tuyên bố "đụng chạm" Trung Quốc tốt hơn so với người tiền nhiệm, nhưng không "suy nghĩ lại" về chính sách tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.

Hoàn Cầu "tố" Washington thông qua quan hệ hợp tác này để gây áp lực cho Bắc Kinh ở Tây Thái Bình Dương, và Trung Quốc thường bất mãn trước sự "phối hợp" của Australia với Mỹ.

Trung Quốc không kỳ vọng gì hơn ngoài việc Australia duy trì vị thế "đồng minh độc lập" của Mỹ, bảo đảm tính tự chủ cao trong lập trường ngoại giao và "cân bằng" giữa quan hệ đối ngoại Mỹ-Trung.

Các Thủ tướng Australia thường đưa ra quyết sách về đường lối ngoại giao dựa trên lợi ích cốt lõi của quốc gia chứ hiếm khi chỉ phụ thuộc vào "cá nhân" nhà lãnh đạo đó.

Chính vì vậy, Hoàn Cầu nhận định, Trung Quốc có thể mong đợi Malcolm Turnbull sẽ là Thủ tướng Australia mà nước này "cảm thấy khá thoải mái" trong quan hệ ngoại giao, nhưng sự "thay tướng" này không phải là bước ngoặt thay đổi căn bản được quan hệ song phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại