Khi ông Jang Song Thaek bị xét xử và tử hình ngay lập tức, đã có nhiều nguồn tin nước ngoài tiết lộ rằng vợ ông, bà Kim Kyong Hui đã bị cháu trai Kim Jong Un ép phải ly hôn để giữ mình khỏi cuộc thanh trừng.
Động thái này thể hiện rõ một “thói quen” và cũng là một “văn hóa” của người Triều Tiên. Nó cũng thể hiện rằng hôn nhân có quan hệ mật thiết tới nền chính trị của đất nước này.
Vợ chồng Jang Song Thaek và Kim Kyong Hui được cho là đã sống ly thân nhiều năm. Hai người kết hôn vào năm 1972 và có với nhau một cô con gái là Jang Kum-song. Tuy nhiên, khi rời Bình Nhưỡng đi du học ở Paris, cô con gái Jang Kum-song đã không quay về Triều Tiên và cuối cùng tự tử vào năm 2006 khi cha mẹ không chấp nhận người bạn trai.
Sau cuộc ly hôn này, rất có thể bà Kim Kyong Hui sẽ chính thức rút khỏi chính trường. Cùng với những kế hoạch mạnh tay của Kim Jong Un, thế lực ngầm từ những gương mặt cộm cán của chính quyền cũ Kim Jong Il sẽ từ từ tan rã.
Ly hôn để tước bỏ thân phận
Bất luận là ly hôn “cấp tốc” hay chia tay từ lâu, đều rất phù hợp với những tác phong quen thuộc của nền chính trị Triều Tiên. Chế độ của đất nước này xây dựng dựa trên yếu tố “thân phận”, mà thân phận người nhà với gia đình họ Kim là thân phận cao quý nhất.
Bản thân ông Jang Song Thaek với thân phận tương đương “thái tử” trong triều đại nhà họ Kim ở Triều Tiên, đã từng bước tiến thân và trở thành một trong những nhân vật quyền lực bậc nhất ở đất nước này. Những người thân của ông cũng thơm lây, như anh rể của ông này làm đại sứ ở Cuba, cháu ruột làm đại sứ ở Malaysia...
Cho đến khi Jang Song Thaek ly hôn, đương nhiên thân phận của ông này sẽ không còn, và người nhà của ông ngay lập tức cũng mất sạch quyền lực và địa vị.
Rất có thể sau khi Jang Song Thaek bị thanh trừng thì họ hàng của ông ở Triều Tiên hay nước ngoài đều bị trừ khử theo. Báo chí quốc tế nhận định có thể Kim Jong Un đang muốn truyền đi thông điệp “ngay cả con rể của Kim Nhật Thành và họ hàng cũng không phải ngoại lệ” cho những ai có ý định lật đổ mình.
“Ép ly hôn” và lưu đày là một hình phạt quen thuộc cho “người nhà quan chức” ở Triều Tiên. Trước đó đã có nhiều trường hợp tương tự, ví dụ như người nhà của cựu bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Hwang Jang-yop, người đã trốn sang Hàn Quốc hay Park Nam Gi, cựu Bộ trưởng bộ kế hoạch tài chính bị tử hình đều nhận được lệnh “ly hôn khẩn cấp”, sau đó lưu đày đến các vùng biên cương để lao động.
Ly hôn gần như là phạm tội
Ở Triều Tiên, đại đa số các cặp vợ chồng đều không dám ly hôn vì hạnh động này được coi là vi phạm đạo đức xã hội.
Những thành phố có tỉ lệ ly hôn cao như Bình Nhưỡng cũng chỉ đạt tới con số khoảng 0,1‰. Trong đời sống người dân Triều Tiên, ly hôn là một khái niệm rất nặng nề và xa lạ. Mặc dù trong các điều khoản luật ở Triều Tiên hiện nay vẫn cho phép “tự do ly hôn”, nhưng đối với người dân nước này, ly hôn là một hành vi vi phạm với đạo đức xã hội, thậm chí còn làm tổn hại tới hình ảnh của đất nước, nặng nề hơn nữa là vi phạm tới tư tưởng chủ thể của chế độ hiện hành. Tuyệt đại đa số người dân nước này không bao giờ “vi phạm” vào điều khoản ngầm đó.