Tại Washington đang diễn ra một cuộc tranh luận “kỳ quặc” về việc liệu triển khai chính sách Obamacare của chính quyền Obama có tồi tệ hơn cách đối phó của chính quyền Bush đối với cơn bão Katrina năm 2005. Nhưng dù câu trả lời có là gì chăng nữa, thì cả hai câu chuyện trên đều là những ví dụ điển hình cho sự thất vọng của người dân đối với chính phủ liên bang. Paul Volcker, cựu chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ nhận định hầu hết người Mỹ cho rằng chính phủ của họ không còn hoạt động hiệu quả và có sự “xói mòn” về năng lực.
Người dân Mỹ biểu tình phản đối chính sách nhập cư của chính phủ. Ảnh: AFP/TTXVN.
Trong thập kỷ qua, chính phủ liên bang phải đối mặt với một số thách thức lớn: Cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, một hệ thống an ninh quốc gia mới, cơn bão Katrina và Obamacare. Trong hầu hết các trường hợp, hiệu quả hoạt động của chính phủ cho thấy sự yếu kém trong quản lý, ngân sách thì bội chi và xử lý kéo dài. Theo Paul Hoffman, người đứng đầu quỹ Marshall Plan, điều này hiếm khi xảy ra so với trước đây, các cơ quan liên bang đều quản lý tốt và hoạt động hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên trong khoảng thời gian từ 1940 – 1960.
Hiện nay chỉ có một số ít đơn vị trong chính phủ duy trì được hiệu suất cao, ví dụ như Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ - NASA, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, hệ thống dự trữ liên bang và Cục nghiên cứu Bộ Quốc phòng (DARPA). Con số này chỉ như một vài hòn đảo giữa đại dương bao la.
Tại sao lại như vậy? Lý do một phần thuộc về vấn đề văn hóa và lịch sử. Người Mỹ luôn luôn nghi ngờ chính phủ của mình. Những người trẻ tuổi có tài năng thì không muốn trở thành quan chức và trong vòng 30 năm qua, thái độ chống chính phủ trong dân chúng đã tăng đáng kể. Mới đây, 2 Ủy ban quốc gia trong lĩnh vực công cộng đã công bố chi tiết về những lý do tại sao ngày càng ít người trẻ tuổi có năng lực muốn phục vụ cho chính phủ: Quan ngại về xung đột lợi ích, rà soát chính trị khắt khe, đấu đá nội bộ và khó khăn thì ngày càng chồng chất.
Ngoài ra còn có về vấn đề liên quan đến hai đảng trong Quốc hội Mỹ hiện nay – đảng Dân chủ và Cộng hòa: rất nhiều người cho rằng vai trò của họ ở Washington chỉ đơn giản là tấn công, bôi nhọ lẫn nhau. Sự công kích lẫn nhau này làm xói mòn lòng tin của công chúng và làm tiêu tan những ý thức trách nhiệm cũng như ham muốn cống hiến của các cơ quan trong chính phủ. Việc liên tục cắt giảm ngân sách cũng đã hạn chế chính phủ trong việc đối phó với những thách thức mới. Các cuộc tấn công chính trị dai dẳng giữa hai đảng đã tạo ra một bầu không khí thận trọng.
Mặt khác, Chính phủ liên bang đã trở thành một bãi rác cho tất cả các loại mục tiêu, chẳng hạn như yêu cầu về biên chế, quy định mua sắm và cơ cấu tổ chức. Học giả Francis Fukuyama tại đại học Stanford nhận xét rằng một nửa số người mới vào bộ máy hành chính liên bang là các cựu chiến binh, trong đó có nhiều người khuyết tật. Điều đáng trân trọng ở đây là chính phủ muốn giúp đỡ các cựu chiến binh và mang đến cơ hội cho họ, nhưng chính phủ cũng sẽ phải hoạt động trong điều kiện chất lượng và sự cống hiến hạn chế.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng chính phủ Mỹ đã lừa dối về GDP của nước này. Theo con số chính thức của Bộ Tài chính, tại thời điểm này, nợ của Mỹ vào khoảng 106% GDP. Nhưng theo con số ước tính của Ngân hàng dự trữ liên bang – FED, tổng nợ của Mỹ tương đương xấp xỉ 250% GDP. Và dù theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ công bố, ngay cả khi người dân Mỹ không sử dụng bất kỳ nhu cầu thiết yếu nào cho sự sống (không ăn, không uống, không xây dựng, không lái xe, sưởi ấm, sản xuất vũ khí…) thì Mỹ cũng không thể đủ khả năng trả khoản nợ này trong vòng một năm.
Cuối cùng, việc không giải quyết được các mâu thuẫn đảng phái dẫn tới bế tắc trong hàng loạt chính sách đối nội khiến cho uy tín của chính phủ Mỹ ở thời điểm hiện tại đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.