Cụ thể, thử thách mà Bloomberg đang muốn nói đến là hiệp ước hợp tác dầu khí với các nước châu Á, trong bối cảnh giá dầu giảm cùng những khó khăn trong nền kinh tế Trung Quốc, đối tác số một của Nga trong lĩnh vực này.
Trong khi tập đoàn Gazprom tự tin tuyên bố hôm 18/8 vừa qua rằng tiến trình đàm phán đi đến một hợp đồng cung cấp khí đốt với Trung Quốc trong vòng một năm rưỡi tới đang "tiến triển tốt", thì Bắc Kinh lại thẳng thừng "dội gáo nước lạnh" lên Moscow.
Chính phủ Tập Cận Bình khẳng định, hợp đồng nói trên sẽ không được kí kết trong chuyến công du Bắc Kinh hôm 2/9 tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo Giám đốc Cục Vấn đề Á-Âu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc - ông Ling Ji, việc giá dầu thô giảm tới hơn 50% trong năm vừa qua đã làm phức tạp hóa đàm phán, do đó hai bên không thể hướng tới việc hoàn tất hợp đồng trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Putin.
Về phía Trung Quốc, việc trở thành khách hàng số một của Gazprom đương nhiên sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nước này, nhưng kinh tế Trung Quốc lúc này đang "bận" đương đầu với quá tải công nghiệp, suy thoái đầu tư bất động sản, và "quả bom" thị trường chứng khoán.
"Với Trung Quốc, đây không phải thời điểm thích hợp để kí kết một thỏa thuận khí đốt" - ông Keun Wood Paik, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, London, phát biểu.
Năm ngoái, ông Putin đã kí kết thành công hiệp ước cung cấp khí đốt đầu tiên cho Trung Quốc từ Đông Siberia sau hơn một thập kỉ đàm phán, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong mối quan hệ giữa quốc gia xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu lớn nhất thế giới về khí đốt.
Đặc biệt hơn, Nga đạt được cột mốc này trong lúc quan hệ giữa nước này với Mỹ và châu Âu, những đối tác khí đốt "sộp" khác, đang xấu đi trông thấy do hệ quả của cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraine.
Tháng 11 năm ngoái, Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận khung cho một hợp đồng khí đốt thứ hai kéo dài 30 năm, trong đó bao gồm việc xây dựng một đường ống dẫn từ Tây Siberia.
Đường ống này sẽ cung cấp khoảng 30 tỷ m3 khí một năm, bổ sung vào con số 38 tỷ m3 từ hợp đồng đầu tiên và biến Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của Gazprom.
Chính phủ ông Putin "định giá" hợp đồng đầu tiên, với nguồn cung cấp bắt đầu từ năm 2019 và công thức tính giá dầu mới, ở mức 400 tỷ USD.
Kể từ khi thỏa thuận trên được ký kết, giá dầu thô Brent, mức giá chuẩn với một nửa lượng dầu của thế giới, nay đã giảm xuống dưới 46 USD/thùng so với mức 102,6 USD/thùng khi đó.
Theo phân tích của chuyên gia Alexander Gabuev thuộc Viện nghiên cứu Carnegie Moscow, thay đổi nhân sự trong bộ máy quản lý năng lượng Trung Quốc và chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ cũng đang gây cản trở tiến trình đàm phán với Nga.
"Các quan chức mới thường sẽ tránh những bản hợp đồng mang theo rủi ro. Bắt tay với Nga lúc này rất nguy hiểm do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt, đồng rúp mất giá và những thay đổi liên tục trong hệ thống thuế nước này" - ông nhân định.
Vì những lý do trên, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov nhận định, bất kì hiệp ước nào được kí kết trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm 2/9 tới của ông Putin sẽ được coi như một "món quà" đối với Nga trong lúc này.