Cuộc điều tra được Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) thực hiện nhằm kiểm chứng báo cáo của chính quyền Syria, cho rằng chất độc hóa học đã được dùng 11 lần. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ những cuộc tấn công hóa học này đã diễn ra tại đâu và khi nào.
“Mẫu thử máu của một vài cá nhân lại cho thấy dấu hiệu nhiễm chất đôc sarin hoặc một hợp chất tương tự nơi người dân Syria”, Ahmet Uzumcu, Tổng giám đốc của OPCW cho biết. Ông Uzumcu cũng nói rằng chưa rõ vì sao người dân Syria lại bị nhiễm sarin.
“Cần phải điều tra thêm mới có thể xác định được họ đã bị nhiễm khi nào và trong hoàn cảnh nào. Chúng tôi chưa tìm thấy manh mối nào về việc tại sao họ lại bị nhiễm độc”.
Chính quyền Syria từ lâu đã cáo buộc các tay súng nổi dậy sử dụng chất độc hóa học. Tuy nhiên, phe nổi dậy được phương Tây chống lưng luôn bác bỏ lời cáo buộc này.
Các quan chức phương Tây cho rằng quân nổi dậy khó có đủ điều kiện để thực hiện những cuộc tấn công bằng khí độc sarin.
Tháng 9.2013, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đồng ý tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học, trong một thỏa thuận với Mỹ và Nga, sau khi vài trăm người bị giết bởi khí sarin tại vùng ngoại ô Ghouta, thủ đô Damascus vào ngày 21.8.2013.
Trong các báo cáo trước đây, OPCW đã xác định khí độc lưu huỳnh mù tạt đã được sử dụng tại một làng mà các tay súng Nhà nước Hồi giáo IS giao chiến với một nhóm khác. Khí clo cũng đã được sử dụng một cách bất hợp pháp trong các cuộc tấn công nhắm vào dân thường Syria.
Tổng thống Bashar al-Assad đã hoàn tất giao nộp 1.300 tấn vũ khí hóa học mà ông đã khai báo với OPCW vào tháng 6.2014. Tuy nhiên, phương Tây nghi ngờ chính quyền Syria đã không khai báo toàn bộ số vũ khí của nước này.
Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đã khẳng định rằng chất độc hóa học đã được sử dụng tại Syria, tuy nhiên thủ phạm thật sự vẫn chưa được tìm ra.
Một cuộc điều tra nhằm xác định thủ phạm đằng sau các cuộc tấn công hóa học tại Syria đang được Liên Hợp Quốc và OPCW đồng tiến hành.