Kho dự trữ Plutonium khiến Nhật Bản đau đầu

Hàn Giang |

Nhật Bản đang chuẩn bị cho sự trở lại của nhà máy điện hạt nhân trong tháng 8.2015, sau thời gian gián đoạn kéo dài 2 năm.

Tuy nhiên, một số vấn đề liên quan đến kho dự trữ plutonium khiến Nhật Bản đau đầu.

Hai lò phản ứng hạt nhân trên đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản, được thiết lập để tiếp tục hoạt động ngay giữa tháng 8.2015 và một lò phản ứng khác trên hòn đảo lân cận Shikolu sẽ vận hành trở lại sau đó vài tháng.

Đây sẽ là những lò phản ứng đầu tiên được tái sử dụng theo quy định mới của Nhật Bản, sau thảm họa Fukushima vào tháng 3.2011.

Tuy nhiên, một vấn đề cần phải giải quyết đối với chính quyền Tokyo là plutonium, tạo từ nhiên liệu hạt nhân đốt cháy trong quá trình sản xuất điện.

Nếu chất này tiếp tục được tách ra từ nhiên liệu, nó có thể được sử dụng để tạo thành một quả bom nguyên tử.

Với 47 tấn plutonium được tách ra, Nhật Bản hiện có kho dự trữ lớn hơn bất kỳ nước nước nào trên thế giới, ngoại trừ các cường quốc hạt nhân.

Những tranh cãi đã nảy sinh xung quanh vấn đề này, khi Nhật Bản và đồng minh quan trọng-Mỹ, là những quốc gia dẫn đầu trong kế hoạch hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân.

“Đây là một vấn đề gây khó chịu cho Washington nếu phải trả lời câu hỏi: Tại sao Mỹ lại cho phép Tokyo duy trì các kho dự trữ plutonium, nhưng ép buộc các nước khác phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định hạn chế phổ biến hạt nhân,” Nobumasa Akiyama, giáo sư chính sách an ninh hạt nhân tại Đại học Hitotsubashi cho biết.

Hiện tại, số lượng plutonium của Nhật Bản đã vượt xa hầu hết các nước.

Đức, một quốc gia đồng ý ký kết hiệp ước không phổ biến hạt nhân cũng như các loại vũ khí, chỉ có 3 tấn plutonium được chiết tách vào cuối năm 2013, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.

Ngay cả cường quốc hạt nhân lớn như Mỹ và Nga, cũng chỉ có 49 tấn và 52 tấn plutonium.

Các nước láng giềng, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc, từ lâu đặt câu hỏi tại sao Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận quốc tế về phổ biến hạt nhân, lại dự trữ rất nhiều plutonium.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh nhiều lần thúc giục Tokyo giảm kho dự trữ nhiên liệu hạt nhân và không muốn nhìn thấy sự gia tăng về số lượng kho trong thời gian tới.

Sự tồn tại của kho nguyên liệu hạt nhân Nhật Bản không chỉ gây ra căng thẳng trong khu vực.

Một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai cập thông qua việc này ép buộc quốc tế cho phép tái chế nguyên liệu hạt nhân.

Giới chuyên gia nhận định, các kho dự trữ sẽ tạo ra mối nguy nếu những tên khủng bố vô tình có được plutonium.

Kho dự trữ plutonium của Nhật Bản được xây dựng từ năm 1970. Nước này sau đó hy vọng sẽ sử dụng plutonium để tạo ra điện trong các lò phản ứng tái sinh. Tuy nhiên, công nghệ này sau đó không được phát triển hoàn thiện.

Cuối những năm 1990, Tokyo ấp ủ một kế hoạch mới nhằm giảm số lượng kho dự trữ bằng cách kết hợp plutonium và uranium trong các lò phản ứng hạt nhân. Và đặt ra mục tiêu có từ 16-18 lò phản ứng tiêu thụ nhiên liệu hỗn hợp vào năm 2015.

Thảm họa hạt nhân Fukushima đã phá hủy nỗ lực của chính phủ Nhật Bản. Việc tái khởi động các lò phản ứng ngừng hoạt động mất nhiều thời gian hơn dự kiến dưới sự quan sát bởi Cơ quan Quy chế Hạt nhân (NRA).

Trong số 43 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản, có 5 lò đã được NRA giám sát, trong đó chỉ có 1 lò phản ứng duy nhất được phép sử dụng nhiên liệu hỗn hợp plutonium-uranium.

Một lò phản ứng có thể tiêu thụ khoảng 0,5 tấn plutonium trong vòng một năm.

“Mặc dù Tokyo cho biết sẽ sử dụng toàn bộ plutonium một cách hòa bình, nhưng những gì diễn ra trong thực tế không thể hiện điều đó,” Takuya Hattori, cựu Chủ tịch Diễn đàn công nghiệp nguyên tử Nhật Bản nhận định.

Một nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân đã xây dựng ở Rokkasho, phía bắc tỉnh Aormori.

Chính phủ Tokyo và các công ty điện lực Nhật Bản cùng nhau đầu tư hơn 20 tỷ USD mỗi năm cho kế hoạch tại Rokkasho, kể từ khi chính thức bắt đầu từ năm 1992.

Tuy nhiên, nhà máy đã liên tục ngừng hoạt động hơn 20 lần do các vấn đề kỹ thuật và tài chính. Các chuyên gia an ninh hạt nhân Mỹ tin rằng Rokkasho sẽ nhanh chóng đóng cửa.

Hiện tại, Japan Nuclear Fuel Ltd, một công ty liên doanh của 9 công ty điện lực và cơ quan điều hành nhà máy Rokkasho, đang kiên trì với dự án.

Giới chức công ty hy vọng nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 3.2016, sau khi được NRA kiểm tra.

Thỏa thuận hợp tác hạt nhân giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ kết thúc vào tháng 7.2018. Cả hai bên cho biết thỏa thuận sẽ tự động gia hạn, trừ khi một trong hai bên muốn đàm phán lại.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Tokyo không có chính sách duy trì plutonium cho những mục đích không xác định.

“Chúng tôi ủng hộ chính sách này và Nhật Bản sẽ sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân theo đúng hiệp ước không phổ biến hạt nhân, mặc dù trong thời điểm hiện tại các kho dự trữ plutonium khiến Nhật Bản đau đầu,” một phát ngôn viên tuyên bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại