Iran đứng sau vụ bắt cóc 3 công dân Mỹ ở Iraq?

P.Nghĩa |

Các nguồn tin tình báo Iraq và chính phủ Mỹ hôm 19-1 tiết lộ 3 công dân Mỹ bị mất tích vào tuần trước ở thủ đô Baghdad đang bị lực lượng vũ trang người Shiite do Iran hậu thuẫn cầm giữ.

Một trong hai nguồn tin tình báo Iraq nói với Reuters: “Họ bị bắt cóc vì đều là công dân Mỹ, không phải lý do cá nhân hoặc tài chính”.

Cố vấn của chính phủ Iraq Hisham al-Hashemi cho biết lực lượng dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn muốn gây rối và làm suy yếu chính quyền của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi – người đang cố gắng cân bằng mối quan hệ với đối thủ Iran và Mỹ.

“Lực lượng dân quân người Shiite tức giận vì quân đội Iraq chiếm lại TP Ramadi với sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu mà không có sự tham gia của họ” – ông al-Hashemi nhận định.

Tuy nhiên, các nguồn tin Mỹ khẳng định Washington không tin Tehran liên quan đến vụ việc này và cũng không tin 3 công dân của mình đang bị giam tại Iran.

Trước đó, các tay súng không rõ danh tính đã bắt giữ 3 người Mỹ từ một ngôi nhà thuộc quận Dora, Đông Nam thủ đô Baghdad hôm 15-1. Họ là những người Mỹ đầu tiên bị bắt cóc tại Iraq kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi đây vào năm 2011.

3 người đàn ông đang làm việc cho Công ty General Dynamics Corp theo một hợp đồng với quân đội Mỹ, với vai trò nhà thầu hoặc giảng viên quân sự.

Cũng trong ngày 19-1, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir cảnh báo việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân có thể gây ra tác động khôn lường nếu Tehran sử dụng thêm tiền để tài trợ cho các “hoạt động bất chính”.

Khi được Reuters hỏi liệu Riyadh có chế tạo bom hạt nhân trong trường hợp Tehran vẫn tìm cách để sở hữu bom nguyên tử bất chấp thỏa thuận, ông al-Jubeir khẳng định Ả Rập Saudi “sẽ làm tất cả để bảo vệ người dân của chúng tôi”.

Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir. Ảnh: Reuters

Dù ngoài mặt hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân mới đạt được giữa đối thủ Iran và nhóm P5+1 nhưng theo Reuters, Riyadh lo ngại Tehran sẽ dùng số tiền trước đây bị Washington đóng băng cùng áp lực ngoại giao giảm để tài trợ cho các lực lượng dân quân và đồng minh trong khu vực, cũng như tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân.

Hồi năm ngoái, Ả Rập Saudi khởi động chiến dịch quân sự ở Yemen để ngăn chặn phiến quân Houthi (do Iran hậu thuẫn) tranh giành quyền lực.

Riyadh cáo buộc Tehran gây bất ổn khu vực và hai bên đối mặt nhau trong cuộc nội chiến ở Syria, xung đột Yemen và bất ổn chính trị ở Iraq, Lebanon và Bahrain.

Cả hai nước đều cáo buộc lẫn nhau về việc hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố, gây mất ổn định khu vực và hận thù sắc tộc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại